21 ngày đến SEA Games 24 - 2007: “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

Xe đạp Việt Nam có một lịch sử khá ấn tượng tại các kỳ SEAP Games. Trong bộ sử ký SEAP Games còn ghi rất rõ chiến công của tay đua “Vua nước rút” Nguyễn Văn Châu ở cự ly 1.000m tốc độ, mang về cho Việt Nam chiếc huy chương vàng xe đạp đầu tiên tại SEAP Games 2 - 1961 ở Myanmar.

Theo lời kể, nhóm đua chung kết gồm Tawon Jeerapan (Thái Lan), ứng viên số 1 của danh hiệu vô địch, Boun Thoi (Camuchia) - kẻ tinh quái khó ai vượt qua nổi, Low Bing Kong (Malaysia) và Nguyễn Văn Châu (Việt Nam) lần đầu so tài ở cự ly thi đấu này. Hiệu lệnh xuất phát vang lên, Tawon quá mạnh đã vượt lên trước, kéo theo “cái đuôi” lần lượt là Low, Boun Thoi và cuối cùng là Châu. Đường đua hình lòng chảo rất dốc, nên các tay đua bám riết nhau như hình với bóng, ngoằn ngoèo với tốc độ này một lớn.

Châu cố tìm cách “ngoi” lên trước, nhưng quá khó, vì bị “nhốt” chặt phía sau. Đến khi đoàn bắt tốc độ đẩy lên đoạn dốc cao, Châu chơi bài liều, không chịu bám đuôi mà tách hẳn ra, men theo thành dốc rồi bất thần đổ nhào xuống như “thần phong Kamikaze” của Nhật, với tốc độ kinh người, qua mặt Boun Thoi, Low Bing Kong, rồi bứt luôn Tawon Jeerapan về đích trước tiên, với thành tích 11 giây 4, đoạt HCV. Boun Thoi nhờ hút theo tốc độ của Châu ngay từ đầu, cũng qua mặt Tawon để về đích thứ hai, với 11 giây 8. Tawon thấy nguy thì đã muộn, bị tụt lại phía sau khá xa, đành chấp nhận chia HCĐ với Low Bing Kong, với 12 giây 9.

Cùng trong SEAP Games 2 - 1961, đội đua đường trường Việt Nam đoạt HCB cự ly 145km, với 13 giờ 11 phút 2 giây 5. Thái Lan vô địch với 12 giờ 52 phút 32 giây 6, còn chủ nhà Myanmar về thứ ba, với 13 giờ 15 phút 43 giây 6.

Trước đó hai năm, tại SEAP Games 1 ở Bangkok, Trương Bảo Phước từng đoạt huy chương bạc cự ly 11.000m, với 18 phút 30 giây 8, xếp sau Tawon Jeerapan (Thái Lan) với 18 phút 26 giây 4, xếp trên Wichai Tiebtong (Thái Lan) với 18 phút 31 giây. Cùng trong năm này, dự tranh cự ly 153 km đường trường chỉ có hai đội đua Thái Lan và Việt Nam. Cả 3 tay đua Thái Lan đoạt trọn bộ vàng, bạc, đồng cá nhân, 3 tay đua Việt Nam xếp hạng tư, năm, sáu sau đó nhận... HCB đồng đội an ủi.

Sang SEAP Games 3 - 1965, Nguyễn Văn Châu chỉ đoạt HCB cự ly tốc độ sở trường (lần này là chạy 800m), với 1 phút 5 giây 80, thua Shaharuddin Jaffar (Malaysia) nửa vành bánh xe. Việt Nam đoạt HCĐ cự ly đồng đội đuổi bắt 4.000m, HCĐ cự ly 100km, với 2 giờ 53 phút 34, đoạt HCB cự ly 200 km đồng đội đường trường. Tuy nhiên, chói sáng nhất là tay đua Trần Văn Nên đã đánh bại Choy Mow Thim (Malaysia) và Pirote Roongtonkit (Thái Lan) ở 100m nước rút cuối cùng, đoạt HCV cự ly 200km cá nhân đường trường, với 6 giờ 10 phút 51 giây 70. Bốn năm sau, cũng ở cự ly này, “thần đồng” Trương Kim Hùng cũng đã tái lập thành tích của Trần Văn Nên.

SEAP Games 1967, Nguyễn Văn Châu tụt thêm một bậc hạng, chỉ đoạt HCĐ cự ly 1.600m tốc độ, nhưng đội Việt Nam đoạt HCB đồng đội cự ly này, còn Bùi Văn Hoàng đoạt HCB cự ly 200km cá nhân đường trường, Lê Văn Hùng đoạt HCB cự ly 4.000m. Trong cự ly 200km đường trường, Việt Nam đoạt HCB đồng đội.

Cuối cùng, điều mà chúng tôi muốn đề cập thêm là về “thần đồng” Trương Kim Hùng, ông vua của đường trường lẫn nước rút. Người đoạt HCV cự ly 200km và HCĐ cự ly 10.000m tại SEAP Games 1969 và đoạt HCV cự ly 800m nước rút ở SEAP Games 1973 (1 phút 2 giây 50), mà mãi sau năm 1975 vẫn còn “làm mưa, làm gió” trên đường đua trong nước thêm vài năm nữa mới chịu rời “yên hùng ngựa sắt”.

LINH GIAO

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn 

Tin cùng chuyên mục