19 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Bài 9: Câu chuyện bóng bàn

Không dũng mãnh và giàu thành tích bằng quần vợt trong giai đoạn trước năm 1975, nhưng bóng bàn Việt Nam cũng chứng tỏ mình mà là một “thế lực” hùng mạnh tại các kỳ SEAP Games, nhất là ở nội dung đồng đội nam. Vào năm 1959, đội nam gồm Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu và Lê Văn Tiết sau khi xuất sắc đoạt huy chương đồng giải vô địch thế giới lần thứ 25 tại Dortmund (CHLB Đức) vào tháng 3 đã không khó khăn gì khi đè bẹp đội chủ nhà Thái Lan để đoạt huy chương vàng SEAP Games đầu tiên. Khi đó, thành phần đội tuyển nam là Trần Cảnh Được, Huỳnh Văn Ngọc, Lý Võ Đường và Trần Cảnh Đến.

Hai năm sau, đội tuyển nam gồm Lê Văn Tiết, Huỳnh Văn Ngọc, Trần Thanh Dương, Phạm Gia Anh, dưới sự dẫn dắt của “danh tướng” Mai Văn Hòa đã thắng Singapore trong trận chung kết để lần thứ hai vô địch đồng đội nam. Cần lưu ý là ở kỳ SEAP Games đầu chỉ tổ chức một nội dung đồng đội nam ở môn bóng bàn.

SEAP Games 3 - Kuala Lumpur (Malaysia) 1965, Campuchia nổi lên như một thế lực bóng bàn mới, nhưng cũng đành thúc thủ trước đội Việt Nam trong trận chung kết đồng đội nam, với các tay vợt Lê Văn Tiết, Huỳnh Văn Ngọc, Trần Thanh Dương và Ngô Minh Luân. Cũng trong năm này, đôi Ngọc - Dương thắng đôi Campuchia 3-1 trong trận chung kết, đoạt HCV đôi nam và đôi Vũ Tường Oanh - Vương Mỹ Hà thua đôi Malaysia, nhận HCB. Riêng Trần Thanh Dương thua tay vợt Campuchia ở bán kết, chấp nhận HCĐ.

SEAP Games 4 - Bangkok 1967, Việt Nam tiếp tục đoạt HCV đồng đội nam, sau khi thắng chủ nhà Thái Lan trong trận chung kết. Chưa hết, “Tiểu Phượng Hoàng” Lê Văn Inh, với lối chơi phòng ngự xa bàn xếp vào hàng tuyệt chiêu đã lọt vào đến trận chung kết và hạ “đo ván” Chayanond (Thái Lan) 3-1 (12/21, 21/11, 21/19, 21/19), đoạt HCV đơn nam. Ông anh của Inh là Lê Văn Tiết thua Chayanond 1-3 ở bán kết, nhận HCĐ. Ngoài ra, cặp Inh - Oanh đoạt HCB đôi nam nữ, Cao Lê Hùng - Huỳnh Văn Ngọc đoạt HCĐ đôi nam và Vũ Tường Oanh đoạt HCĐ đơn nữ.

Tại SEAP Games 5 - Yangoon 1969, đội Việt Nam tiếp tục bất bại ở giải đồng đội nam, với chiếc HCV thứ 5 liên tiếp, sau khi thắng Myanmar 5-0, Singapore 5-0, Thái Lan 5-3 ở trận cuối cùng. Cặp Lê Văn Inh - Trần Thanh Dương thắng Song Poh Wah - Lim Hee Peng (Malaysia) 3-1 trong trận chung kết, đoạt tấm HCV đôi nam. Đáng tiếc nhất là người hùng ở giải đồng đội nam là Cao Lê Hùng đã thua Pradit (Thái Lan) 0-3 ở bán kết, người mà anh đã từng thắng 3-2 trong trận chung kết giải quốc tế tại Sài Gòn một tháng trước đó. Cặp Inh-Oanh đoạt HCĐ nội dung đôi nam nữ.

Do không được đầu tư, chuẩn bị chu đáo, đội nam Việt Nam hai lần liền không có mặt ở trận chung kết và chỉ bằng lòng với tấm HCĐ SEAP Games 6 - 1971. Sau đó, Vương Chính Học cố gắng lắm cũng chỉ vào đến trận chung kết và thua Peong Tah Seng (Malaysia) ở SEAP Games 7 - 1973, đoạt HCB. Chiếc HCB thứ hai của bóng bàn Việt Nam tại đại hội thuộc về Inh - Dương ở giải đôi nam, cùng 2 HCĐ ở giải đồng đội và đôi nam Vương Chính Học - Trần Công Minh.

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

Tin cùng chuyên mục