22 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ

Tại SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, Việt Nam đã làm một cú đột phá ngoạn mục khi giành 158 huy chương vàng, 97 bạc, 91 đồng, lần đầu tiên vượt lên chiếm vị trí dẫn đầu toàn đoàn tại đại hội. Trong chiến công này có sự đóng góp không nhỏ của điền kinh Việt Nam khi giành đến 8 huy chương vàng, một con số chỉ thấy trong mơ, khi mà phía trước là những đối thủ đáng gờm như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Từ đó, điền kinh – môn thể thao nữ hoàng, môn thể thao Olympic vốn là điểm yếu của thể thao Việt Nam vụt chốc trở thành thế mạnh tranh đoạt huy chương vàng ở các kỳ đại hội cùng các nước trong khu vực.

Thế nhưng, trong pho tư liệu lịch sử điền kinh từ SEAP Games đến SEA Games có không ít những thành tích mới nghe qua tưởng chừng như “hoang sơ”, nhưng thực tế lại rất ấn tượng vào những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước.

Ngay trong kỳ đại hội đầu tiên vào năm 1959 tại Thái Lan, vận động viên Nguyễn Văn Lý đã đoạt huy chương đồng cự ly chạy 10.000m, với thành tích 36 phút 12 giây 8 (Somnuek Srisombat, Thái Lan đoạt huy chương vàng, với 35 phút 7 giây 8). So với thành tích bây giờ thì ông Lý không thể sánh bằng, nhưng đừng quên cái tên Nguyễn Văn Lý chính là một trong hai người Việt Nam đoạt huy chương điền kinh tại SEAP Games. Người đầu tiên chính là cô Nguyễn Nhật Xuân Lan, đoạt huy chương đồng cự ly chạy 80m vượt rào nữ, với 13 giây 3. Nội dung thi “quái chiêu” này chỉ duy trì cho đến hết SEAP Games 1967 là bỏ hẳn, nhường chỗ cho cự ly 100m rào như ngày nay, kể từ SEA Games 1969.

Sang SEAP Games 1967, Hồ Hạnh Phước đoạt huy chương đồng nội dung 10 môn phối hợp nam, với 5.624 điểm, xếp sau K. Bhakdikul (Thái Lan) 6.048 điểm và J.V.Jayan (Malaysia) 5.630 điểm.

Điền kinh Việt Nam thời bấy giờ yếu, tự tập là chính, thường dụng “quân” ở các trường sư phạm thể thao hay các câu lạc bộ phong trào. VĐV không được đầu tư tiền bạc, thuốc men, có chuyên gia ngoại quốc và tập huấn, thi đấu nước ngoài liên tục, nên thành tích không thể so bì với các nước Đông Nam Á, vốn được coi là “vùng trũng” của điền kinh thế giới.

Sau thời gian dài gián đoạn không tham dự đại hội kể từ năm 1975, điền kinh Việt Nam mới có dịp hội nhập trở lại tại SEA Games 15 năm 1989 tại Kuala Lumpur, Malaysia, nhưng chỉ là chuyến thi đấu “làm quen”, chứ không tranh đoạt được gì. 2 năm sau, tại SEA Games 16 ở Philippines, Vũ Mỹ Hạnh “bay” qua mức xà cao 1,80m, đoạt huy chương bạc nhảy cao nữ (Jaruwan, Thái Lan 1,82m đoạt HCV) và Nguyễn Thu Hằng đoạt huy chương đồng ở nội dung chạy 100m rào với 14 giây 61 (Elam Muros, Philippines 13 giây 66 đoạt HCV và Che Osna Che Amat, Malaysia 14 giây 47 đoạt HCB) là những cánh én đầu tiên báo hiệu mùa xuân đến với điền kinh Việt Nam trong thời hội nhập. Tuy nhiên, con đường đi đến vinh quang không bao giờ bằng phẳng. Điền kinh Việt Nam từng trăn trở với tấm huy chương đồng chạy 100m rào của Vũ Bích Hường, 110m rào của Nguyễn Văn Lợi hay cú lao về đích chỉ thua cái đánh ngực của “Nữ hoàng tốc độ” điền kinh Việt Nam Trương Hoàng Mỹ Linh làm vuột mất tấm huy chương đồng cự ly 100m, đều ở SEA Games 17 – Singapore 1993. Có thể nói, SEA Games 18 – Chiang Mai 1995 là bước ngoặt lớn, sau khi Vũ Bích Hường đánh bại các đối thủ sừng sỏ Philippines, Thái Lan, Indonesia để giành huy chương vàng 100m rào, tấm huy chương vàng đầu tiên của điền kinh Việt Nam sau ngày hội nhập. Rồi Phạm Đình Khánh Đoan tiếp nối thành tích vang dội ấy tại SEA Games 20 – Brunei 1999, với 2 huy chương vàng ở cự ly trung bình (800m và 1.500m), cùng Phan Văn Hóa mang về cho Việt Nam 3 chiếc huy chương vàng.

Có người nói, đánh giá sức mạnh của một đoàn thể thao hãy nhìn vào số huy chương mà họ đoạt được ở 2 môn thi chính là điền kinh và bơi lội. 

LINH GIAO

Thông tin liên quan:

- 23 ngày đến SEA Games 24 – 2007  
Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

Tin cùng chuyên mục