20 ngày đến SEA Games 24 - 2007: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

Trong khi quần vợt Việt Nam đang chật vật tìm kiếm từng ván thắng, từng trận thắng khó khăn trước các tay vợt Đông Nam Á trong các kỳ SEA Games gần đây thì trước năm 1975, các tay vợt của ta được xem là những ông chủ lớn. Nói một cách chính xác thì các tay vợt nam Việt Nam thống trị làng banh nỉ từ SEAP Games 1 năm 1959 đến SEAP Games 8 năm 1973.

Theo cuốn lịch sử từ SEAP Games đến SEA Games, vào khoảng năm 1959 đến 1973, quần vợt nam có 21 bộ huy chương vàng, chia đều cho 3 nội dung đơn nam, đôi nam và đồng đội nam, qua 7 kỳ SEAP Games (năm 1963 không tổ chức đại hội). Thống kê thành tích thi đấu, các tay vợt nam Việt Nam đã đoạt được 12/19 bộ huy chương vàng, trong khi Thái Lan chỉ đoạt 6 vàng và chiếc còn lại thuộc về Myanmar. Thành tích cụ thể như sau:

– Ở giải đơn nam, sau khi Võ Văn Bảy gác vợt trước Sutiraphan Karalak trong trận chung kết SEAP Games 1-1959 tại Bangkok thì 2 năm sau tại Yangoon, ông Bảy đã hạ đo ván một tay vợt Thái Lan khác là Seri Charuchinda ở chung kết, đoạt chiếc huy chương vàng đầu tiên cho quần vợt Việt Nam.

Tuy nhiên, quần vợt Việt Nam không có duyên ở các giải đấu đơn, vì chỉ mỗi Võ Văn Thành tái lập thành tích của ông anh mình tại SEAP Games 1967. Trong khi hai lần vào chung kết sau đó tại SEAP Games 1971 và 1973, Võ Văn Thành đều là “bại tướng” trước Somparn Champisri (Thái Lan). Võ Văn Bảy đoạt 2 HCĐ ở 2 kỳ SEAP Games 1971 và 1973.

Maung Maung Lay là tay vợt số 1 Myanmar, khi đoạt HCV đơn nam SEAP Games 1969 (sau đó, anh này đoạt tiếp 1 vàng nữa tại SEAP Games 1975). Như vậy, Thái Lan đoạt 4 HCV (một mình Somparn Champisri đoạt 3 chiếc), Việt Nam 2 HCV (chia đều cho 2 anh em Bảy-Thành).

– Tuy nhiên, các tay vợt Việt Nam là những kẻ “bất khả chiến bại” ở giải đôi nam, với kỳ tích đã liên tiếp 7 HCV ở 7 kỳ SEAP Games (từ 1959 đến 1973). Hai anh em Võ Văn Bảy-Võ Văn Thành vô địch năm 1959, 1961, 1969, đôi Võ Văn Thành-Lưu Hoàng Đức vô địch năm 1965, đôi Võ Văn Bảy-Lưu Hoàng Đức vô địch 1967, đôi Võ Văn Bảy-Lý Aline vô địch liền hai năm 1971, 1973.

– Mãi đến SEAP Games 1965, nội dung đồng đội nam mới được đưa vào chương trình thi đấu môn quần vợt. Sau khi thua chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết SEAP Games 1965, đội tuyển quần vợt Việt Nam với những Bảy, Thành, Đức, Ly Aline đoạt liền 3 HCV tại các kỳ SEAP Games 1967, 1969 và 1971.

Trái với phía nam giới, quần vợt nữ Việt Nam trước năm 1975 không có thành tích gì nổi bật, ngoại trừ tấm HCB đơn nữ của Nguyễn Thị Thìn (sau giải phóng còn “làm mưa, làm gió” trong nước thêm một thời gian nữa mới chịu gác vợt giải nghệ vì tuổi cao) ở SEAP Games 1973, HCĐ năm 1971, 2 HCĐ đôi nam nữ khi đứng cặp với Lý Aline năm 1971 và Trần Duy Bản năm 1973.

Xa hơn một chút, tay vợt Nguyễn Thị Giỏi là nữ VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương tại SEAP Games, với chiếc HCĐ năm 1965 và đội nữ Việt Nam đoạt HCĐ giải đồng đội năm 1971.

Với những thành tích lẫy lừng đó của quần vợt nam, hay những tấm huy chương bạc, đồng “khiêm tốn” của quần vợt nữ ngày ấy, các tay vợt trẻ hiện nay khó mà theo kịp, khi quần vợt ở các nước Đông Nam Á đang có những bước tiến khá dài, khá xa.

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

Tin cùng chuyên mục