Khi Stefanos Tsitsipas dẫn trước Djokovic với điểm số 7-6 (8-6), và 6-2 ở trong trận đấu chung kết đơn nam của Giải Pháp mở rộng, nhiều người tin rằng, Djokovic đã “xong”, và rằng là French Open đang chào đón một nhà vô địch mới. Nhưng với những CĐV của Djokovic, với những người rất hiểu rõ anh, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Đây cũng không phải là lần đầu tiên, Djokovic đối mặt với nghịch cảnh bị dẫn trước 2 ván đấu. Chuyện này, Tsitsipas nên hỏi thăm thêm Lorenzo Musetti!
Với Djokovic, trận chung kết đơn nam của Roland Garros 2021 chỉ thật sự bắt đầu khi anh thắng break-point ở game đấu thứ 3 (tận dụng đến cơ hội thắng break thứ… 4), qua đó vượt lên dẫn trước với điểm số 3-1. Dẫn 3-1, Djokovic đã tìm lại sự tự tin, và bắt đầu cho cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ của mình, cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử các trận chung kết ở hệ giải đấu Grand Slam. 6-3, đó là điểm số của ván đấu thứ 2. Khi đó, tỷ số của trận đấu chỉ còn là 1-2.
Ván 4, người ta bắt đầu nhận ra sự hoang mang của Tsitsipas, khi anh này đã dốc hết sức lực để thắng 2 ván mở màn, và “lờ mờ” nghĩ rằng, như vậy đã “xong”. Với Djokovc, không có gì gọi là “xong” cả, còn thở thì còn đánh, và còn đánh thì còn gỡ. Anh liên tục thắng break-point ở game 1 và game 3 của ván đấu thứ 4, vượt lên dẫn 1-0, 3-0, rồi điều khiển hoàn toàn cục diện ván đấu và giành chiến thắng với điểm số 6-2. Tỷ số khi đó đã là 2-2, chuyện gì…cũng có thể xảy ra?
Nhưng chỉ có duy nhất một chuyện xảy ra, đó là chiến thắng của Djokovic. Khi tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia lại sớm thắng break-point để dẫn trước 2-1, số phận của Tsitsipas xem như đã là “cá nằm trên thớt”, mặc cho Djokovic “giết mổ”. Tay vợt trẻ người Hy Lạp có cố đến mức nào, anh vẫn bị đối thương bỏ xa 2 game đấu trong ván đấu cuối cùng. Và thế là, Djokovic đã khép lại trận đấu bắng game thứ 10 cầm giao bóng, tận dụng championship-point lần thứ 2.
Lần thứ 2 giành Grand Slam trên mặt sân đất nện tại Paris, lần thứ 2 ngược dòng ngoạn mục sau khi thua trước 2 ván đấu, lần thứ 2… đánh bại Nadal ở chính Roland Garros, và điều đó dẫn đến việc, lần thứ 2 Djokovic sưu tập đủ bộ “Career Grand Slam” (thuật ngữ miêu tả thứ danh vị của một tay vợt khi người này sở hữu đủ cả 4 danh hiệu Grand Slam: Australian Open và US Open trên mặt sân cứng, Wimbledon trên mặt sân cỏ và Roland Garros trên mặt sân đất nện). Tuyệt vời!
“Tôi đã thi đấu rất nhiều quần vợt trong suốt 48 tiếng đồng hồ qua, để chống lại 2 nhà vô địch tuyệt vời”, Djokovic hào hứng cho biết sau khi giành lấy danh hiệu Grand Slam thứ 19 trong sự nghiệp (hiện anh chỉ còn thua cả Federer lẫn Nadal đúng 1 danh hiệu mà thôi), và đã đi được nửa quãng đường trong tham vọng… giành trọn bộ danh hiệu Grand Slam ngay trong mùa giải năm nay (đây là thứ thành tích mà Djokovic vẫn chưa làm được và rất muốn đạt được ngay vào lúc này), “Mọi thứ đều là có thể. Chắc chắn trong trường hợp của tôi, tôi có thể nói như vậy!”.
Nếu thắng cả 2 danh hiệu Grand Slam còn lại trong mùa này, Wimbledon trên mặt sân cỏ tại All England Club (London) vào ngày 28-6 tới đây, và US Open trên mặt sân cứng tại Trung tâm Quần vợt quốc gia USTA - Billie Jean King (nằm bên trong khu Flungshing Meadows-Corona Park của thành phố New York) vào ngày 30-8, Djokovic sẽ là người đầu tiên kể từ thời “huyền thoại Rod Laver”, sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam trong cùng một mùa giải. Khi đó, anh cũng sẽ có 21 danh hiệu Grand Slam, chính thức qua mặt cả Federer lẫn Nadal. Liệu có được không?
Còn hiện tại, Djokovic đang tự thưởng thức bản thân mình, cũng như là giới mộ điệu tiếp tục thưởng thức một Djokovic tuyệt luân, “độc nhất vô nhị” trong lịch sử truyền thừa của quần vợt thế giới. Một Djokovic, sau khi thua ván 2 ở trận chung kết, rời khỏi sân, bước vào phòng thay quần áo nằm ngay bên dưới sân đấu, bất chấp một giọng nói vang lên trong đầu: “Trận đấu đã… xong rồi”, vẫn mạnh mẽ tự nhủ với bản thân: “Tôi có thể làm được. Tôi vẫn có thể làm được!”.