Thua trước với điểm số 7-9 rồi 2-7 trong 2 loạt tie-break của 2 ván đấu đầu tiên, để rồi thắng lại 16/17 game đấu cuối cùng, thắng với điểm số 6-1, 6-0 và 4-0, sau đó, khiến đối thủ hạng 76 thế giới “hoảng hồn” bỏ cuộc, điều đó đại biểu cho thứ gì, nếu không phải là sức mạnh tâm trí và “nội lực” tâm lý quá mạnh mẽ của Djokovic?
Với một tay vợt khác, phải nằm trong tình trạng tương tự: Thua 2 tie-break đầu tiên (chuyện này còn đả kích hơn việc để thua 2 ván đấu đơn thuần, vì anh đã dốc sức đến loạt đánh ăn điểm trực tiếp nhưng cuối cùng vẫn để thua cả 2 ván), kết cục đã hiện rõ, nhưng với một tay vợt giống như Djokovic, người còn phải đối mặt với nhiều thứ còn kinh khủng hơn trong “thì quá khứ”, đây vốn chỉ là “một trò chơi khác”.
Để nói: “Tất cả mọi thứ đều nằm trong tính toán của Djokovic!”, cả việc anh đã tán dương đối thủ từng nhiều lần tập cùng anh trong mùa giải năm nay ngay trước khi đối mặt ở vòng 4 của Roland Garros - French Open 2021, có phần hơi quá. Nhưng Djokovic đã và vẫn luôn tính đến trường hợp xấu nhất của bản thân và luôn có giải pháp “tháo gỡ” vướng mắc về mặt tâm lý, để quay trở lại sân đấu, làm 1 người khác.
Ngay sau khi để thua loạt đấu tie-break ván 2 (với điểm số cách biệt hơn hẳn so với điểm số của loạt đánh tie-break của ván đầu tiên – cách đén 5 điểm), Djokovic đã xin phép rời khỏi sân đấu và xin đi vào nhà vệ sinh. Anh làm gì trong đó? Xối nước rửa qua đầu tóc để bản thân “thanh tỉnh”, giải quyết “nỗi buồn” hay bất cứ thứ gì?
Djokovic, trả lời thắc mắc của giới báo chí, rằng đó là biện pháp giải tỏa áp lực tâm lý, hoàn toàn mang tính… “chiến thuật”: “Nếu thật sự các bạn muốn biết, trong suốt thời gian vào nhà vệ sinh, đơn giản tôi chỉ thay quần lót và nghỉ ngơi. Nhưng phần lớn, bạn dùng quãng thời gian đó để cài đặt lại tâm trí, cố thay đổi môi trường. Ngay cả nếu thời gian nghỉ quá ngắn, bạn vẫn có thể điều chỉnh lại sự suy nhược của bản thân, quay trở lại như là một tay vợt mới, mới mẻ hoàn toàn”.
Một Djokovic đầu mới mẻ, hoàn toàn hủy diệt “cậu nhóc sinh năm 2002 chưa trải sự đời”. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, Musetti đã bị dẫn 0-3 trong ván 2, và sau đó là thua luôn 1-5, 1-6. Ván 4 cũng như vậy, khi Musetti không lường trước việc Djokovic xài “bổn mạng thứ 2”, liên tục thua break-point ở game 1, game 3 và game 5, rồi khép lại ván đấu khi để thua “cú bagel”. Ở ván cuối, Musetti bị dẫn thẳng đến 0-4. Tâm lý bị bóp vụn, cơ thể đau nhức (lưng đau, chân bị chuột rút), Musetti chập nhận bỏ cuộc và hiểu rằng, để đọc thấu “Trò chơi” của Djokovic, anh phải chơi nhiều Grand Slam hơn lần đầu tiên.
Với chiến thắng này, Djokovic lọt vào vòng đấu “bát cường” của Roland Garros lần thứ 15, nơi anh sẽ đấu với một đối thủ người Ý khác - Matteo Berrettini, người đã hưởng lợi với kết quả Roger Federer rút lui khỏi giải đấu. Berrettini là một tay vợt có lối chơi rất khó chịu, đặc biệt là trên mặt sân đất nện. Trong mùa giải năm nay, anh đang sở hữu thành tích 10 trận thắng - 3 trận thua trên mặt sân đỏ quạch đầy bụi. Đặc biệt, anh từng thắng giải Serbia Open ngay tại quê nhà của Djokovic, sau khi đánh bại “Biến số quái lạ người Nga” Aslan Karatsev trong trận chung kết. Trước đó, Karatsev đã loại chính Djokovic.
Tuy vậy, Djokovic có ưu thế tâm lý khi hạ gục Berrettini dễ dàng ở vòng bảng giải ATP Finals 2019 tại London, chiến thắng có điểm số áp đảo 6-2, 6-1. Và để đấu với bậc thầy về “trò chơi tâm lý” như là Djokovic, Berrettini vẫn còn kém một khoảng cách khá xa. “Kỳ phùng địch thủ” thật sự của Djokovic ở French Open năm nay, hay ở bất kỳ giải đấu lớn nào trong mùa này, chỉ có thể là Nadal “danh trấn thiên hạ”.
Nadal đó, cũng vừa đánh bại một chàng trai đồng hương cùng trang lứa với Musetti - là Jannik Sinner, ở vòng 4. Nadal đã khuất phục Sinner với điểm số 7-5, 6-3 và 6-0, trong trận đấu mà ban đầu tay vợt quê ở Innichen gây ra khá nhiều áp lực cho “Vua sân đất nện”, nhưng thứ áp lực đó tỷ lệ nghịch theo thời gian, càng lúc càng suy kiệt và cuối cùng, là kết quả thua “cú bagel” ở ván thứ 3. Nadal cũng vào tứ kết ở Paris.
Giống như Djokovic, Nadal đã lọt đến trận tứ kết Roland Garros thứ 15. Nhưng nếu so với tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia, chất lượng “các kết quả tứ kết” của tay vợt cựu số 1 thế giới người Tây Ban Nha ở một tầm đẳng cấp hơn hẳn. 13/15 lần lọt đến tứ kết, Nadal đều tiếp tục lọt đến bán kết, và sau đó đăng quang ngôi vô địch cả 13 lần. Với Djokovic, trong 13 lần lọt đến tứ kết, “chỉ có” 10 lần anh đi tiếp vào bán kết, và sau đó thì, cũng “chỉ có” 5 lần anh tiến đến chung kết, trước khi đăng quang 2016…