Cả 2 đều sinh năm 1981. Federer sinh ngày 8-8, nghĩa là đúng 2 tháng sau, anh sẽ bước sang… tuổi 30. Trong khi đó, Serena sinh ra vào ngày 26-9, cô cũng sẽ bước sang tuổi 40 vào cuối tháng 9 năm nay. Ở tuổi 40, nhiều người đã trở thành cựu tay vợt, chuyển việc làm chuyên gia bình luận - HLV, chuyển hướng làm ăn kinh doanh, nhưng cả Federer lẫn cả Serena vẫn thi đấu quyết theo nhịp đập của con tim, đi theo khát vọng của mình, đó là điều rất đáng trân trọng.
Họ chính là biểu tượng, là tấm gương đáng noi theo của cả ATP Tour lẫn WTA Tour. Serena bắt đầu xung trận quần vợt chuyên nghiệp từ năm 1995, khi đó cô mới… 14 tuổi, bất chấp việc cha mẹ cô muốn cô chơi bóng muộn hơn, vào năm 16 tuổi. Đến năm 1999, 4 năm kể từ khi chuyển sang chơi bóng quần vơt chuyên nghiệp, Serena giành Grand Slam đầu tiên, cô lên ngôi ở US Open 1999, khi mới 18 tuổi và đã mở ra chương sự nghiệp cực kỳ huy hoàng.
Tính đến lúc này, sau 26 năm trời lăn lộn khắp WTA Tour, Serena đã sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam và 50 danh hiệu lớn nhỏ khác. Cô có 855 trận thắng - 151 trận thua (đã tính cả thành tích mới nhất ở Giải Pháp mở rộng năm nay, với trận thua trước Rybakina). Đương nhiên, điều mà Serena khát khao nhất vẫn là: Cân bằng kỷ lục sở hữu 24 danh hiệu Grand Slam của “Tiền bối” Magareth Court. Đó là lý do cô vẫn cố gắng để thi đấu dù đã không còn như xưa…
Federer “ra đời” muộn hơn Serena 3 năm. Đến năm 1998, anh mới trở thành tay vợt chuyên nghiệp - khi đó Federer cũng mới 17 tuổi, đang để mái tóc dài lãng tử buộc túm đuôi ngựa. Năm 2003, Federer giành được danh hiệu Grand Slam đầu tay, đó là ngôi vô địch ở Wimbledon. Kể từ đó trở đi, Federer xây dựng “Vương triều thống trị” của mình, cho đến khi Rafael Nadal vươn lên cạnh tranh quyết liệt. Sau đó, cả Novak Djokovic cũng can thiệp vào cuộc chơi này.
Chẳng sao cả, Federer vẫn có riêng cho bản thân mình 20 danh hiệu Grand Slam (một kỷ lục mà Nadal đã săn bằng, nhưng liệu tay vợt người Tây Ban Nha có thể vượt lên trước ngay ở kỳ giải French Open năm nay?). Ngoài ra, huyền thoại sống người Thụy Sỹ cũng giành được 83 danh hiệu lớn nhỏ khác. Thành tích thắng - bại của anh, tính đến lúc này đang là 1246 trận thắng - và 273 trận thua. Không như Serena, Federer hiện chẳng còn áp lực gì thành tích cả…
Ở góc độ này, thì Federer vượt xa Serena. Nhận thấy không thể thắng gì thêm tại French Open, anh mạnh mẽ buông bỏ, “lắng nghe cơ thể mình”, tập trung cho mục tiêu khác hơn: Thật sự sung sức tại giải Wimbledon, dù rằng với anh, giành thêm một Grand Slam khác nữa, không khác gì “Nhiệm vụ bất khả thi” cả. Việc Federer rút lui khỏi Grand Slam trên sân đất nện tại Paris, chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi ít nhiều, nhất là khi Federer phá bỏ cơ hội vào sâu của Domink Koepfer.
Chính Daniil Medvedev cũng ủng hộ quyết định thức thời của cựu số 1 thế giới người Thụy Sỹ: “Roger đã 39 tuổi, có lẽ sau trận đấu, anh ấy đã làm việc với chuyên gia thể lực và cảm thấy bị đau gối, hoặc có vấn đề gì đó với vết mổ của anh ấy. Sau đó, anh ấy biết rằng, có lẽ mình không nên đánh tiếp vòng đấu sau, khiến bản thân tự đau và sẽ không thể thi đấu trong một thời gian tiếp theo. Đó là những gì mà bạn cũng biết với kinh nghiệm của mình. Tôi không thấy tại sao Federer nên bị chỉ trích. Cùng lúc đó, tôi hiểu tại sao người ta lại phải làm như vậy”.
Với Serena, đó lại là một câu chuyện khác. Có thể tìm rất nhiều lý do biện minh cho thất bại của cô. Trước mắt, hãy theo dõi quan điểm của Rybakina: “Chúng tôi cố gắng ép cô ấy phải đánh từ bên trái tay nhiều hơn, đơn giản vì cô ấy có bộ tấn đánh bóng rất rộng. Với một bộ tấn rộng mở và 2 tay, rất khó để di chuyển bóng, vì thế, tôi cố gắng đánh thật nhiều về phía trái tay của cô ấy. Đôi khi, tôi dính quá nhiều với các cú thuận tay. Đó là lý do tại sao tôi để thua một số điểm số. Cô ấy có các cú giao bóng rất uy lực, nhưng tôi đã sẵn sàng cho những điều này”.
Nói thế nào chăng nữa, dù đổ thừa tại mặt sân hay cách chơi ra sao, thì đây là lần thứ 20 liên tiếp Serena thất bại trong nỗ lực tìm kiếm danh hiệu Grand Slam thứ 24 của mình. Có thể, có những trận cô thua ở chung kết, nhưng càng lúc, những trận thua sớm kiểu như thế này, càng đến nhiều hơn và càng lúc cô càng tỏ ra rất lực trước “lớp sóng sau xô bờ của lứa trẻ”. Vậy thì, ở Wimbledon chuẩn bị diễn ra, còn cơ hội nào cho Serena, hay cơ hội đã hết từ sau Wimbledon 2016?