Nadal loại Schwartzman, giành trận thắng thứ 105
“Chàng lùn Argentina” Diego Schwartzman đã nỗ lực rất nhiều, nhưng như vậy vẫn chưa đủ tạo ra bất ngờ khi đối diện với “Vua sân đất nện”. Ngoại trừ ván đấu thứ 2, nơi chứng kiến tay vợt chỉ cao 1 mét 70 quê ở Buenos Aires “giãy dụa dữ dội”, và thắng với điểm số 6-4, trong cả 2 ván đấu còn lại, Nadal đã chiếm ưu thế để lần lượt giành chiến thắng với điểm số 6-3 (ván mở màn), 6-4 (ván thứ 3) và “cú bagel” (thắng 6-0) ở trong ván cuối.
Dù đánh mất chuỗi ván thắng liên tiếp tại French Open năm nay (dừng lại ở con số 36), nhưng màn trình diễn của Nadal đã thuyết phục hoàn toàn mọi CĐV, đám đông khoảng 5.000 khán giả ngồi trên khán đài. Ai cũng phải thừa nhận, đơn giản là anh “ở một tầm đẳng cấp vượt trội”, so với đối thủ 28 tuổi đến từ Nam Mỹ, dù rằng đối thủ này vốn cũng là một “chuyên gia sân đất nện” thượng thừa. Nadal đã thắng chỉ sau 2 giờ 45 phút đồng hồ…
Djokovic căng thẳng và “đổ máu” loại Berrettini
Ngay sau khi thắng match-point trước đối thủ cứng cựa người Ý - Matteo Berrettini, Djokovic hướng lên phía khán đài nơi đội hỗ trợ của anh, và vợ của anh - cô Jelena (Ristic) Djokovic, đang ngồi, anh gào thét dữ dội, kiểu dáng điệu được giải tòa hoàn toàn những áp lực tâm lý. Đó là phản ứng rất dễ hiểu của một tay vợt bị đối thủ đầy vào thế khốn khó, đối mặt với 3 nguy cơ thua break-point, bất cứ nguy cơ nào cũng sẽ trở thành “trọng yếu” nếu anh thật sự đánh mất nó, để rồi cứu cả 3 break-point, nhưng mà vẫn để thua 1 ván đấu, thậm chí bị trượt chân té khi đeo bóng, tay trái va xuống mặt sân, bị trầy trụa và đổ máu.
Đối mặt với một “chuyên gia sân đất nện khác”, dù cũng “đánh mất” 1 ván đấu như là khi Nadal đấu Schwartzman, nhưng Djokovic ở trong một tình thế khó khăn và áp lực hơn nhiều. Dù vậy, bản lĩnh, sức mạnh tâm lý, khả năng phản ứng trả đòn kịp lúc, đã mang tay vợt đương kim số thế giới người Serbia đến chiến thắng cuối cùng với điểm số là 6-3, 6-2, 6-7 (5-7), và 7-5. Đây là trận đấu Djokovic không để thua break-point nào.
Đại chiến Titan
Như vậy, bộ đôi Titan - Nadal và Djokovic, thiết lập trận đối đầu thứ 58 giữa 2 bên, ở bán kết đơn nam của Roland Garros năm nay. Có người nói đó là: “Trận chung kết sớm”. Cũng có người sẽ cảm thấy rất luyến tiếc, vì nếu Nadal và Djokovic “chia để trị” 2 đối thủ thuộc lứa “Next Gen” là Stefanos Tstispas và Alexander Zverev (2 người sẽ đối đầu nhau ở trận bán kết đơn nam còm lại), hy vọng người ta sẽ có được “Trận chung kết trong mơ”, khi Nadal và Djokovic lại “họp hội nghị thượng đỉnh” ở trong trận đấu cuối cùng…
Nhưng đó là quyết định may rủi của “lá thăm”, và do vậy, trận bán đơn nam đầu tiên, dự kiến diễn ra vào buổi tối ngày mai, thứ Sáu 11-6, sẽ có sức hút to lớn hơn rất nhiều so với trận bán kết đơn nam thứ 2 giữa Tsitsipas và Zverev. Trong mùa giải năm nay, Djokovic đã đấu với Nadal đúng 1 lần, đó là trận chung kết ở giải Rome Masters. Trong trận đấu đó, Nadal đã thắng rất thuyết phục, dù rằng Djokovic cũng gỡ 1 ván đấu “danh dự”.
Sứ mệnh vô địch của Nadal
Cứ đến mỗi kỳ Roland Garros - French Open, Nadal đều tham chiến với “Sứ mệnh phải vô địch”. Suốt từ năm 2005, kể từ lần đầu tiên tham gia giải Grand Slam trên mặt sân đất nện tại Paris và… vô địch ngay lập tức khi đánh bại Mariano Puerta của Argentina với điểm số ngược dòng 6-7 (6-8), 6-3, 6-1 và 7-5; Nadal chỉ để thua đúng 2 trận (anh đang sở hữu thành tích thắng 105/107 trận đấu ngay tại French Open).
Trong 2 trận thua, anh gác vợt trước “Gã cướp biển Viking” Robin Soderling 2-6, 7-6 (7-2), 4-6, 6-7 (2-7) tại vòng 4 của Roland Garros 2009 (sau đó Roger Federer thừa thế đánh bại Soderling ở chung kết và giành danh hiệu Roland Garros duy nhất của mình); và thua Novak Djokovic với điểm số 5-7. 3-6 và 1-6 ở tứ kết Roland Garros 2015 (nhưng sau đó Djokovic lại thua Stan Wawrinka ở trận chung kết).
Những kết quả này cho thấy một điều, Nadal không phải là “bất khả chiến bại” trên mặt sân đỏ bụi tại Paris, nhưng anh chưa từng thua mỗi khi lọt vào bán kết, rồi chung kết. Thậm chí, Nadal đã đánh bại Djokovic một cách tuyệt đối ở các trận bán kết và chung kết Roland Garros (thắng 2 lần ở bán kết và thắng ở cả 3 trận chung kết trong các năm 2012, 2014 và 2020). “Sứ mệnh vô địch” của Nadal càng rõ ràng hơn khi anh có rất nhiều ưu thế: Thiên thời - Địa lợi và hầu như là cả Nhân hòa để đấu với Djokovic vào ngày mai.
“Đó không chỉ là 1 trận đấu khác. Hãy đối mặt với nó, đó là thách thức lớn nhất bạn phải có: Thi đấu trên mặt sân đất nện đối mặt với Nadal, mặt sân mà anh ấy đạt rất nhiều thành công trong sự nghiệp. Đương nhiên, mỗi khi chúng tôi đối đầu với nhau, sẽ có thêm căng thẳng và mong chờ. Mỗi khi bước ra sân đấu chống lại anh ấy, sự rung cảm đều rất khác biệt. Nhưng đó cũng là lý do lý giải tại sao sự kình địch giữa 2 chúng tôi đã trở thành lịch sử, tôi nghĩ, với môn quần vợt này. Quả là đặc ân khi đấu với anh ấy nhiều lần”.
“Sự kình địch, ganh đua giữa tôi với anh ấy, giữa tôi với Roger, khiến tôi trở thành một tay vợt mạnh mẽ hơn, cho phép tôi hiểu cần làm gì để tiếp tục cải thiện lối chơi của mình, đạt tầm đẳng cấp mà tất cả bọn họ đều đã đạt đến khi tôi mới bắt đầu chơi quần vợt chuyên nghiệp. Tôi có thể chọn Rafa là đại kình địch lớn nhất mà tôi có trong sự nghiệp của mình. Việc định liệu trước các lần đối đầu với anh ấy, dù là ở bất kỳ trận đấu nào, trên bất kỳ mặt sân nào và trong bất kỳ trường hợp nào, đều khác với các trận đấu khác.
Lịch sử đã chứng mình, Nadal chưa từng thua ở bán kết, chung kết Roland Garros. Nhưng lịch sử cũng đã chứng kiến, Djokovic là 1 trong 3 tay vợt “dám” đăng quang ở Paris khi “Triều đại của Nadal” vẫn đang vô cùng lẫy lừng (2 người khác đương nhiên đều đến từ Thụy Sỹ - Federer và Wawrinka), để trở thành tay vợt đầu tiên từ thời Rod Laver, sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam ở cùng một thời điểm. Lịch sử chứng minh, bất kỳ tay vợt nào đánh bại Nadal ở Roland Garros cũng đều không thể lên ngôi vô địch ngay giải đấu năm đó. Nhưng nếu đánh bại Nadal vào ngày mai, Djokovic có cơ hội viết nên lịch sử mới.