Asian Cup: Thực tại không mấy sáng sủa của tuyển Iran

Dù được đánh giá là 1 “ông kẹ” ở bảng đấu có đội tuyển Việt Nam – bảng D của Asian Cup 2019, là ứng cử viên cho ngôi đầu bảng, bên cạnh tuyển Iraq nhiều khả năng sẽ chiếm được ngôi nhì bảng, tuy nhiên, tuyển Iran lại không được đánh giá quá cao trong cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch ở Giải bóng đá vô địch châu Á năm nay. Tại sao lại như vậy?

Carlos Queiroz đang đối mặt với rất nhiều thách thức
Carlos Queiroz đang đối mặt với rất nhiều thách thức

Lịch sử đã là… quá khứ

Có một sự thật khó có thể nuốt trôi, rằng tuyển Iran chưa từng giành lại ngôi vô địch Asian Cup kể từ lần đăng quang cuối cùng hồi năm 1976, bất chấp việc làng bóng nước này luôn là một thế lực đáng sợ của bóng đá châu Á.

Đã 43 năm trôi qua, kể từ lần lên ngôi thứ 3 liên tiếp, trước đó, đội bóng có biệt danh “Team Melli” đã lần lượt đăng quang trong các năm 1968 (thắng Burma – Myanmar ngày nay, với khoảng cách 3 điểm khi Asian Cup mới thu hút có 5 đội và thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt), năm 1972 (thắng Hàn Quốc 2-1 trong trận đấu chung kết) và năm 1976 (thắng Kuwait 1-0 trong trận đấu chung kết), có vẻ như, giờ đây, ngôi vô địch vẫn là thứ gì đó quá xa vời với tuyển Iran.

Nói đến bóng đá Iran, đó là lịch sử của những tài năng Nasser Hejazi và Ali Parvin – những người từng đưa Iran đến tứ kết Olympic Montreal 1976, cùng năm mà tuyển Iran đăng quang ở Asian Cup, hay Ali Daei – tiền đạo từng ghi 109 bàn cho màu áo Team Melli, và từng đầu quân cho những CLB hàng đầu ở giải Đức như là Bayern Munich, Hertha Berlin…

Asian Cup: Thực tại không mấy sáng sủa của tuyển Iran ảnh 1 Ali Daei - huyền thoại một thời của tuyển Iran
Nói đến bóng đá Iran, gần đây nhất, ở World Cup mùa Hè trên đất Nga, đoàn quân của HLV người Bồ Đào Nha Carlos Queiroz đã chơi cực hay khi thắng Ma rốc và cầm hòa Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo, chỉ thua Tây Ban Nha nhờ pha lập công duy nhất của cựu tiền đạo Chelsea Diego Costa và bị loại ở vòng đấu bảng vì chỉ thua cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha đúng 1 điểm mà thôi. Nhưng chuyện lịch sử đó, đã là quá khứ xưa cũ…

Điều đầu tiên là… tiền đâu?

Khi đến với Asian Cup năm nay trên đất UAE, tuyển Iran đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Điều đầu tiên trong số đó chính là nguồn tài chính. Do đất nước luôn phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt kinh tế vì đường lối chính trị của mình, Iran thường xuyên gặp vấn đề về tài chính từ những năm 1970 cho đến nay. Khi Team Melli đang ráo riết chuẩn bị cho Asian Cup 2019, vấn đề tài chính lại tái hiện.

Hồi tháng 11 rồi, các cầu thủ của tuyển Iran, và các thành viên Ban huấn luyện, đã thể hiện một sự phản đối bằng cách khóa các tài khoản xã hội – truyền thông của họ, nhằm nói lên sự không hài lòng với tình trạng thiếu điều kiện cơ sở và sự hỗ trợ của Liên đoàn bóng đá Iran (FFIRI) với quá trình chuẩn bị của đội tuyển nước nhà cho Asian Cup vào đầu năm sau.

Được biết, nhiều cầu thủ và chính bản thân HLV Queiroz cũng chưa được trả lương từ hồi VCK World Cup cho đến nay, điều đó dẫn đến việc tài khoản của chính Team Melli trên Instagram cũng đã bị khóa. Cũng vì thế, Iran đã không thể sắp xếp những trận giao hữu cọ sát với những đối thủ mạnh, điều này gây nhiều khó khăn cho HLV Queiroz.

Tuyển Iran đã đá giao hữu với Trinidad & Tobago, cùng với Venezuela hồi tháng 11 rồi. Họ đã thắng Trinidad & Tobago nhờ bàn thắng duy nhất của Karim Ansarifard, người đang chơi cho Nottingham Forest ở giải Hạng nhất nước Anh và có biệt danh là “Kẻ kế thừa Ali Daei”. Anh này chính là người cân bằng tỷ số cho tuyển Iran trong trận đấu với Ronaldo và các đồng đội ở World Cup, với cú sút trên chấm phạt đền ở phút thứ 90+3.

Asian Cup: Thực tại không mấy sáng sủa của tuyển Iran ảnh 2 Ansarifard trong một tình huống kèm cặp Ronaldo ở World Cup
Trong khi đó, Iran đã bị đại biểu kém tiếng của bóng đá Nam Mỹ cầm chân 1-1 trong trận đấu ở Doha (Qatar) hôm 20-11. Trong một kết quả mới nhất, họ vừa bị tuyển Palestine cầm chân 1-1 trong trận giao hữu cũng diễn ra ở Doha. Ở các trận đấu này, Iran đều phải thi đấu trong tình trạng “không dư thừa của ăn, của để”. Trước khi bước vào Asian Cup, họ sẽ còn trận giao hữu cuối cùng với chính Qatar tại Doha, một nơi “gần gũi và có đãi ngộ về tài chính” cho tuyển Iran.
Những bất đồng ở quê nhà

Vì chịu quá nhiều áp lực, HLV Queiroz, cựu HLV trưởng của Real Madrid, thường có những chỉ trích nhắm vào làng bóng Iran, thậm chí cả giải chuyên nghiệp của nước này, và với cả 2 CLB lớn nhất của Iran Persepolis FC và Esteghlal FC, HLV Queiroz cũng “không buông tha”.

Cũng do vậy, ông và HLV người Croatia Branko Ivankovic – HLV trưởng của Persepolis, HLV trưởng của tuyển Iran ở World Cup 2006, người đã đưa Persepolis giành được 2 ngôi VĐQG, 2 chiếc Siêu Cup và đang là Á quân của AFC Champions League, được cho là “có thâm thù”, vì người ta đồn rằng, Ivankovic cũng muốn quay lại với chức danh "thuyền trưởng" của Team Melli. FFIRI từng phải gửi thư cảnh báo để tránh tình trạng mối mâu thuẫn này trở thành bất hòa cấp đội tuyển và khiến tuyển Iran suy yếu.

Dù ông Ivankovic đã gửi lời chúc “tốt lành nhất” đến cho tuyển Iran bên thềm Asian Cup (có thể trong đó có “ngụ ý thâm sâu”): “Tôi luôn là một fan bự của Team Melli, tôi cầu chúc cho họ những điều tốt nhất ở Asian Cup. Thành công của tuyển Iran cũng sẽ là thành công của tôi. Đội tuyển Iran không thuộc một cá nhân đặc biệt nào, Team Melli là của mọi người dân Iran”, thì vừa qua, việc trợ lý của Queiroz, ông Oceano da Cruz, tấn công một phóng viên Iran ngay sau trận giao hữu với Trinidad & Tobago, lại làm căng thêm mối quan hệ “thập phần nguy hiểm”, khiến giới truyền thông Iran tỏ vẻ muốn “tẩy chay đội tuyển”.

Asian Cup: Thực tại không mấy sáng sủa của tuyển Iran ảnh 3 Tuyển Iran trước một trận giao hữu
Vấn nạn chấn thương

Trong tất cả mọi rắc rối, điều cuối cùng mà Queiroz muốn nghe, đó là tình trạng chấn thương. Nhưng sự thật lại vô cùng đắng nghét, Iran đã mất đi hàng loạt cầu thủ quan trọng trong đội hình của mình…

Saeid Ezzatollahi là 1 trong những ngôi sao phải nói lời từ biệt với tuyển Iran ở Asian Cup 2019. Chàng tiền vệ mới 22 tuổi, thuộc biên chế của Rostov ở giải Nga, nhưng hiện đang thi đấu cho Reading ở giải Hạng nhất nước Anh theo bản hợp đồng cho mượn, từng 5 lần ra sân khi khoác áo Atletico Madrid đã bị chấn thương cơ tứ đầu và cần có ít nhất là 3 tuần để hồi phục chấn thương.

Asian Cup: Thực tại không mấy sáng sủa của tuyển Iran ảnh 4 Không có Saeid Ezzatollahi là một mất mát lớn của tuyển Iran
Một trường hợp vắng mặt đáng tiếc khác là của Ali Karimi. Tiền vệ trung tâm 24 tuổi hiện đang khoác áo CLB Esteghlal (và cũng đã từng chơi cho Dinamo Zagreb và Lokomotiv Zagreb của Croatia) buộc phải “về nhà” chỉ một ngày sau khi Ezzatollahi dính chấn thương.

Nhưng dù sao, với truyền thống, với lịch sử, và với cả “vai vế” của Queiroz, cựu HLV trưởng Real Madrid và là cánh tay phải của Sir Alex Ferguson thời ông chưa giải nghệ tại Old Trafford, tuyển Iran vẫn là một đội bóng lớn, ứng viên cho ngôi vô địch. Họ chính là thước đo thật sự cho tuyển Việt Nam ở lần đầu tiên bước ra biển lớn, sau mùa giải 2018 quá đáng nhớ!

Tin cùng chuyên mục