Chia sẻ trước buổi tập về quá trình thi đấu tại Nepal, tiền vệ Tuyết Dung cho biết: “Hành trình thi đấu ở Nepal cũng khá vất vả. Khó khăn tại đây là sự thay đổi về khí hậu, sinh hoạt. Buổi tập đầu tiên khi thay đổi không khí từ khu vực địa lý thấp lên cao, các cầu thủ dễ bị khó thở. Trên bảng xếp hạng, Nepal đứng thứ 100. Dù ít thi đấu nhưng họ tiến bộ rất nhanh. Theo tôi, thứ hạng FIFA chưa thể hiện được toàn bộ. Trong lần đầu tiên gặp đội tuyển nữ Nepal, tôi thấy đây là đối thủ khó chơi, chúng ta không thể hoàn toàn dồn ép thế trận. Hai trận đấu vừa qua rất bổ ích với đội tuyển nữ Việt Nam”.
Tuyết Dung nói thêm: “Hai chiến thắng đã giúp đội tuyển nữ Việt Nam lọt vào Vòng loại thứ hai, nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự hài lòng. Trải qua 2 trận đấu, toàn đội còn nhiều vấn đề phải cải thiện. Điểm rơi phong độ cầu thủ chưa tốt, đội tuyển nữ Việt Nam cần cải thiện thêm để hướng tới SEA Games 32”.
Các tuyển thủ nữ Việt Nam trên sân tập chiều 12-4 |
Sắp tới, đội sẽ có chuyến tập huấn kéo dài 2 tuần tại Osaka, Nhật Bản với 3 trận đấu giao hữu cùng “quân xanh” là các câu lạc bộ chất lượng tại đây. Nói về kế hoạch sắp tới, Tuyết Dung chia sẻ: “Toàn đội đang rất hào hứng để có chuyến tập huấn tốt và bổ ích, hướng tới SEA Games 32. Nhật Bản có nền bóng đá phát triển ở châu Á, đó là cơ hội để các cầu thủ thi đấu giao hữu, học hỏi và rút ra nhiều kinh nghiệm”.
“Bảng đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 32 khá khó khăn. Nếu Indonesia không rút lui thì bảng đấu sẽ có 5 đội. Myanmar không phải đối thủ dễ chơi, Philippines nhập tịch nhiều. Ở giải vô địch Đông Nam Á vừa qua, chúng ta đã không thành công trong trận đấu với Philippines. Đó là bức tường chúng ta phải vượt qua để đi đến chung kết. Dù bảng đấu khó khăn nhưng mục tiêu của đội vẫn là hướng đến vào chơi tại trận đấu cuối cùng”, Tuyết Dung nói.