Rủi ro cho đội tuyển Việt Nam khi thi đấu trên sân cỏ nhân tạo

Sân cỏ nhân tạo Rizal Memorial (thủ đô Manila) được Philippines chọn để tiếp đón đội tuyển Việt Nam ở trận ra quân vòng loại World Cup 2026. Không chỉ hứng chịu sức ép khủng khiếp từ CĐV đội chủ nhà tạo ra, mà thầy trò HLV Philippe Troussier còn đối diện với trở ngại rất lớn khi phải thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo.
Đội tuyển Việt Nam đã chuyển sang tập luyện trên mặt sân cỏ nhân tạo.
Đội tuyển Việt Nam đã chuyển sang tập luyện trên mặt sân cỏ nhân tạo.

Sân cỏ nhân tạo Rizal Memorial mang đến ký ức đẹp với bóng đá Việt Nam. SEA Games 30 tổ chức ở Philippines vào năm 2019, đội tuyển nam U22 và đội tuyển nữ Việt Nam “ẵm” trọn 2 bộ huy chương vàng môn bóng đá. Song, hành trình đến với danh hiệu đã khiến tiền vệ Nguyễn Quang Hải (đội tuyển nam) và trung vệ Chương Thị Kiều (đội tuyển nữ) đánh đổi bằng chấn thương rất nặng.

Nguy cơ cao dẫn đến chấn thương là một trong những rủi ro khi phải thi đấu trên sân nhân tạo. Điều này đến từ việc mặt cỏ sân nhân tạo cứng, làm tốc độ đi nhanh lẫn quỹ đạo bay khó chịu hơn so với sân tự nhiên, khiến cầu thủ gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống. Dù chỉ thi đấu 1 trận gặp Philippines trên sân cỏ nhân tạo, nhưng không may có tuyển thủ dính chấn thương thì sẽ ảnh rất lớn không chỉ cá nhân người bị mà còn với đội tuyển quốc gia lẫn CLB chủ quản cho hành trình phía trước.

Cựu tuyển thủ Lê Hoàng Thiên sau khi chia tay bóng đá chuyên nghiệp đã chuyển sang khoác áo một CLB phong trào lớn ở TPHCM, để tham dự giải bóng đá 7 người quốc gia trên sân cỏ nhân tạo. Hoàng Thiên trải nghiệm: “Mặt sân cỏ nhân tạo cứng hơn, khiến tốc độ bóng đi nhanh hơn và làm cầu thủ có phần bối rối trong việc phán đoán thời gian bóng đến với mình. Vì sân cứng nên nếu sử dụng các đường chuyền bổng, khi bóng dội xuống đất sẽ nẩy lên đầy khó chịu trong việc khống chế”.

Theo Hoàng Thiên, cầu thủ vẫn phải mang giày móng (giày đinh) nhưng chuyên dùng cho sân nhân tạo để thi đấu. Việc làm quen với giày mới này làm người chơi mất thêm thời gian. Anh phân tích: “Lúc này, việc di chuyển, chạy và xử lý bóng ở tốc độ cao thì chân sẽ có cảm giác không được mượt. Mang giày móng thì động tác dùng lực để sút hay chuyền dài khác đi rất nhiều. Nếu không làm chủ được thì khi mình chuyền hay nhận bóng sẽ gặp khó, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phối hợp cùng đồng đội. Điều này bắt buộc các cầu thủ phải tự thích ứng, bên cạnh chuẩn bị trước băng keo quấn quanh cổ chân, một cách để phòng ngừa chấn thương, chứ không thể tránh hẳn rủi ro có thể xảy ra”.

Quang Hải dính chấn thương trên sân Rizal Memorial ở SEA Games năm 2019. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Quang Hải dính chấn thương trên sân Rizal Memorial ở SEA Games năm 2019. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo chưa bao giờ dễ dàng với các đội tuyển Việt Nam. AFF Cup nữ 2022 tổ chức trên sân Rizal Memorial, đội tuyển nữ Việt Nam đã nhận thất bại trước Philippines tại vòng bán kết, sau đó thua Myanmar ở trận tranh hạng Ba. Với bóng đá nam chứng kiến sự bế tắc của đội tuyển Việt Nam trong trận hòa 0-0 gặp chủ nhà Singapore thuộc vòng bảng AFF Cup 2020. Ngay cả trận thắng 2-1 trên sân cỏ nhân tạo Olympic của Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019 cũng làm Nguyễn Văn Quyết cùng đồng đội vô cùng chật vật.

Trong đội hình của đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận ra quân vòng loại World Cup 2026 có rất nhiều cầu thủ từng trải nghiệm thi đấu trên mặt sân nhân tạo ở Philippines, Campuchia và Singapore. Phần chuẩn bị cho trận đấu với Philippines vào ngày 16-11 tới, HLV Troussier cũng cho các học trò duy trì tập luyện trên sân cỏ nhân tạo ở Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 9 đến 13-11, sau đó lên đường sang nước bạn.

Với đội tuyển Việt Nam theo thiên hướng chơi kiểm soát bóng và phối hợp trong không gian hẹo, thì việc phải thi đấu trên sân nhân tạo là một thử thách rất lớn. Hy vọng tài cầm quân của HLV Troussier lẫn sự thích nghi trong gian khó từ các tuyển thủ sẽ giúp toàn đội có được kết quả tốt nhất trên đất khách.

Tin cùng chuyên mục