Họ đã đấu với nhau 57 trận, Djokovic dẫn trước với cách biệt mong manh
Ân oán giữa Djokovic - Đương kim Nhà Vua ATP - và Rafael Nadal - Vua sân đất nện - đã bắt đầu được bồi đắp từ trận đấu tứ kết của giải Roland Garros hồi năm 2006. Ở trong trận đấu đó, Nadal đã thắng Djokovic với điểm số 6-4 trong 2 ván đấu mở màn, để rồi sau đó tay vợt người Serbia bỏ cuộc vì chấn thương. Không ai có thể mường tượng rằng, cuộc gặp gỡ dở dang hồi 15 năm trước chính là tiền đề tạo ra “Cuộc đại chiến dai dẳng và nhiều ân oán nhất” trong lịch sử của ATP Tour.
Tính đến ngày 17-5-2021, Djokovic đã chạm mặt Nadal những 57 lần. Trong suốt quãng thời gian 15 năm ganh đua này, đôi khi Nadal chiếm ưu thế, nhưng Djokovic cũng đã nhiều lần tạo ra những chuỗi chiến thắng liên tiếp dài hơi: Thắng 7 trận liên tiếp từ chung kết Indian Wells 2011 đến chung kết Australian Open 2012 (cả 7 lần đối mặt này giữa Djokovic và Nadal, đó đều là các “cuộc họp thượng đỉnh 2 cực ở trận chung kết”); Thắng 4 trận liên tiếp kể từ chung kết China Open 2013 cho đến trận chung kết của Rome Masters 2014 (cũng đều là 4 trận chung kết…).
Đấu với nhau 57 trận đấu, trong đó có đến 29 “cuộc họp thượng đỉnh ở chung kết” (chiếm hơn 50%), Djokovic và Nadal hầu như tạo ra cục diện “Trận tự 2 cực”, thứ cục diện mà chính Nadal và Federer từng xây dựng nên trong giai đoạn từ năm 2005-2011 (với 11 trận chung kết giữa 2 bên). Khi họ ở trạng thái đỉnh phong, khi họ đến những giải đấu quan trọng, họ sẽ “toàn tâm toàn ý” gạt bỏ mọi rào cản và cuối cùng, đối đầu với nhau trong một trận đấu hệ trọng nhất.
Ở đấu trường Grand Slam, Nadal vẫn tạo ra khoảng cách đáng kể
Federer gần như “kịch khung” trong năng lực tìm kiếm danh hiệu Grand Slam thứ 21, thì Nadal (sở hữu 20 danh hiệu Grand Slam, ngang bằng với kỷ lục của Federer) và Novak (hiện còn thua cả Nadal lẫn Federer đúng 2 danh hiệu Grand Slam) đều còn nhiều cơ hội để gia cố cho tài khoản chiến thắng của mình. Nếu như Djokovic trẻ hơn Nadal 1 tuổi (cũng nhỏ hơn Federer, người sẽ bước sang tuổi 40 vào tháng 8 này, đến 6 tuổi), vẫn còn có thêm vài năm phía trước; thì Nadal với phong độ cực tốt trên mặt sân đất nện từ 2 mùa giải gần đây, mới chính là cử ứng viên nặng ký nhất ở giải Roland Garros - French Open sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Nadal đã thắng 13 danh hiệu ở Grand Slam trên mặt sân đất nện tại Paris. Anh hoàn toàn có khả năng nâng cao thành tích lên thành 14 danh hiệu khi “tiếp đãi” các đối thủ khác, cụ thể là với Djokovic, “Hoàng tử sân đất nện” Dominic Thiem, hay đôi khi chính là “Anh hùng thành Athens” Stefanos Tsitsipas. Có lẽ, chỉ có Djokovic mới có thể cản nổi khát khao “14-21” của Nadal, nhưng cũng có lẽ, chính anh cũng không thể tạo thêm kỳ tích trên mặt sân đất nện. Nên nhớ, Nhà Vua ATP đã thất thủ 4 trận liên tiếp trên mặt sân đỏ quạch đầy bụi trước Nadal. Lần gần nhất anh có thể đánh bại Vua sân đất nện đó là diễn biến 7-5, 7-6 (7-4) ở tứ kết Rome Masters hồi 2016.
Nói đến danh hiệu lớn trong quần vợt, người ta sẽ lần lượt kể đến: Danh hiệu Grand Slam, danh hiệu ATP Finals, danh hiệu Masters 1.000 và phần nào đó là tấm HCV ở Olympic (chỉ tính đến HCV nội dung đơn nam). Ở lĩnh vực này, Djokovic mới chính là Bá chủ, vượt qua cả Federer lẫn Nadal. Điểm mạnh của Djokovic chính là: Anh là “Đại Tông sư” ở hệ giải Masters 1.000, sở hữu 36 danh hiệu, ngang bằng với thành tích của “Đại Tông sư” Nadal - người cũng có 36 danh hiệu. So với Djokovic và Nadal, Federer “kém thế” khi chỉ sở hữu 28 danh hiệu Masters 1.000. Bù lại, “Cựu Hoàng” có đến 6 lần vô địch ATP Finals (“Giải Bát đại cao thủ cuối mùa giải”, cũng xem như là giải tổng kết cuối năm của ATP), nhiều hơn Djokovic đúng 1 lần. Ở trong lĩnh vực này, Nadal là kém nhất - khi chưa từng đăng quang ATP Finals.
Nếu so về số lần giành HCV ở đấu trường Olympic, Nadal nhỉnh hơn khi sở hữu tấm HCV ở kỳ giải Olympic Beijing 2008. Ở giải đấu năm đó, Nadal đã loại Djokovic ở bán kết trước khi đánh bại Fernando Gonzalez (Chile) ở chung kết và giành tấm HCV Olympic đơn nam duy nhất trong sự nghiệp. Ở trong lĩnh vực này, cả Nadal, Federer lẫn Djokovic đều không thể sánh bằng Andy Murray, người đã sở hữu 2 tấm HCV ở Olympic London 2012 và Olympic Rio de Janeiro 2016, và thường đem thành tích này “bổ khuyết” cho những thiếu sót về các danh hiệu Grand Slam…
Như vậy, nếu tính số danh hiệu lớn, Djokovic đang tạm dẫn đầu với 59 danh hiệu. Nadal xếp thứ 2 với 57 danh hiệu, và xa hơn một chút chính là Federer, người đang có 54 danh hiệu!