Có một Võ Minh Trọng trưởng thành để bước ra từ bóng tối

Ba trận đấu thuộc U23 Doha Cup 2023 và trận giao hữu mới đây với CLB TPHCM, HLV Philippe Troussier để Võ Minh Trọng, một hậu vệ đang thi đấu tại Giải hạng Nhì, chơi ở hành lang trái của U22 Việt Nam. Trong khi Phan Tuấn Tài, cầu thủ nhận được nhiều kỳ vọng nhất ở vị trí này, được đẩy vào đá trung vệ lệch trái.
Võ Minh Trọng đang tích cực tập luyện để hy vọng được HLV Philippe Troussier điền tên tham dự SEA Games 32. ẢNH: TÂM HÀ.
Võ Minh Trọng đang tích cực tập luyện để hy vọng được HLV Philippe Troussier điền tên tham dự SEA Games 32. ẢNH: TÂM HÀ.

U22 Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị nước rút cho SEA Games 32. Nếu các vị trí khác vẫn đang trong tiến trình thử nghiệm, thì từ một tháng trước, HLV Troussier đã “quy hoạch” suất hậu vệ trái thuộc về Minh Trọng, cậu học trò theo ông từ vòng loại U19 châu Á cách đây 4 năm. Và sẽ không bất ngờ nếu chàng trai quê Cần Thơ có tên trong danh sách rút gọn 20 cầu thủ đến thủ đô Phnom Penh (Campuchia) sắp tới.

Tin được không, một cầu thủ đã gần nửa năm không thi đấu một trận chuyên nghiệp nào, thường xuất hiện ở những trận bóng “phủi” dưới miền Tây sông nước, lại nhận được tín nhiệm tuyệt đối từ “Phù thủy Trắng” và ekip huấn luyện của U22 Việt Nam. Dò hỏi những đồng đội của Minh Trọng ở U22 Việt Nam, tất cả đều có chung nhận xét Trọng thi đấu rất tốt khi được trao cơ hội, kèm theo những lời khen về sự cần cù và sự nhẫn nại.

Hành trình đến U22 Việt Nam của Minh Trọng như một bản nhạc, có đủ nốt thăng lẫn nốt trầm, và nhất trong 4 năm đầy biến động vừa qua. Tuổi 15 gia nhập bóng đá trẻ Đồng Tháp, Trọng dù sinh năm 2001, nhưng lại thuộc thành phần trụ cột của thế hệ cầu thủ sinh năm 1999-2000 vô địch U17 và U19 quốc gia. Nhưng “hoa hồng” đâu có đủ để trải hết đoạn đường. Năm 2020, một phút bốc đồng của tuổi trẻ khiến 11 cầu thủ Đồng Tháp làm độ, trong đó có Minh Trọng, bị nhận án cấm thi đấu 6 tháng đến 5 năm. Với một tài năng khi đó mới bước sang tuổi 19, đó là một cú sốc nặng nề, đồng thời cũng là sự thử thách nếu Trọng muốn thật tâm đến bóng đá.

May mắn cho Minh Trọng khi có anh ruột Quý “Kante”, một cầu thủ “phủi” có tiếng ở miền Nam, dẫn cậu em đến các sân bóng đá phong trào để duy trì nền tảng thể lực. Việc được anh trai định hướng rõ ràng giúp Trọng quên đi nỗi buồn từ án kỷ luật cấm 6 tháng, vượt sự dèm pha từ dư luận, để tự tin và can trường làm cuộc đời. Sự cố vào năm 2020 đã hình thành một Minh Trọng trở nên cứng cáp và lỳ lợm hơn. Tấm huy chương đồng ở Giải U21 quốc gia vào cuối năm 2020, sân chơi đánh dấu sự trở lại của Trọng cùng nhiều đồng đội khác sau khi kết thúc án kỷ luật, đã minh chứng cho sự trưởng thành ấy.

Minh Trọng đã có những bước trưởng thành sau sự cố vào năm 2020. ẢNH: TÂM HÀ

Minh Trọng đã có những bước trưởng thành sau sự cố vào năm 2020. ẢNH: TÂM HÀ

Hành trình tuổi xuân đã qua của Minh Trọng, đâu chỉ có những bước phát triển thần tốc về mặt chuyên môn, mà còn khát khao cháy bóng cùng niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng tròn. Tài năng trẻ quê Cần Thơ xem bóng đá là “cần câu cơm” nuôi sống bản thân và cả gia đình, luôn bắt buộc bản mình phải chỉnh chu và chuyên nghiệp với nghề. Trọng trân trọng những cơ hội được trao lại. Để rồi hôm nay, tài năng trẻ này đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành một phần của Đoàn thể thao Việt Nam tranh tài ở SEA Games 32, và là những niềm tự hào của bóng đá miền Tây.

Nói đến đây sẽ không thể không lo lắng cho tương lai của Minh Trọng. Những rào cản về vấn đề hợp đồng đào tạo trẻ buộc Trọng khoác áo Đồng Tháp tham dự Giải hạng Nhì 2023. Nếu đội bóng xứ Bưng Biền quyết tâm thăng hạng Nhất, điều này có thể mở ra chuyển biến tích cực cho hậu vệ 22 tuổi này. Còn không, hy vọng sẽ có một cơ chế đặc biệt, như bản hợp đồng cho mượn thi đấu cho Phú Thọ ở mùa giải 2022, để Trọng được tạo cơ hội tỏa sáng ở hệ thống bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Bởi tài năng và cơ hội phát triển nghề nghiệp của Minh Trọng lớn mà phải chơi ở hạng đấu vẫn còn được gọi... bán chuyên thì quả thật đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục