Mở rộng góc nhìn ra 3 trận đấu ở U23 Doha Cup 2023, “Phù thủy Trắng” đã luân chuyển chiếc băng thủ quân qua 3 cầu thủ, gồm Phan Tuấn Tài, Trần Quang Thịnh và Huỳnh Công Đến. Thậm chí, Vũ Tiến Long và Võ Hoàng Minh Khoa (về sau bị loại) cũng nằm trong nhóm ban cán sự, kể từ ngày ông Troussier tiếp quản công việc ở U22 Việt Nam. Đây là nhóm gương mặt dạn dày kinh nghiệm nhất trong đội hình. Đây cũng là tiêu chí được ông Troussier đặt ra, để chọn những ứng viên khoác lên vai tấm băng thủ quân.
Ấy vậy, sắp kết thúc tháng thứ 2 làm việc cùng U22 Việt Nam, và khi bóng đá nam SEA Games 32 chỉ còn hơn 1 tuần nữa lăn bóng, chiến lược gia 68 tuổi vẫn chưa tìm được người đủ tầm và quan trọng có sự can đảm để mang băng đội trưởng. “Ở U22 Việt Nam, tôi chính là đội trưởng”. Một phát biểu mà ông Troussier muốn giảm áp lực cho học trò, và cũng thể sự lưỡng lự của mình. Ngoài trừ Công Đến, 4 cầu thủ từng mang băng thủ quân của U22 Việt Nam chưa ai được nhận trách nhiệm tương tự ở CLB chủ quản. Nhưng Công Đến cũng chỉ đội trưởng của một đội hạng Nhất (PVF CAND), một phạm trù hoàn toàn khác so với sân chơi quốc tế như SEA Games 32.
Hoàn cảnh HLV Troussier đang đối diện trái ngược với đồng nghiệp Park Hang-seo. Hai kỳ SEA Games gần nhất mà bóng đá nam Việt Nam đoạt tấm huy chương vàng, băng thủ quân thuộc về Đỗ Hùng Dũng. Việc Dũng “Chíp” mang đội trưởng không phải điều bất ngờ, và nhận về 100% tán thành từ các thành viên trong đội. Tiền vệ sinh năm 1993 về sau cũng nhận được tín nhiệm để thay Quế Ngọc Hải làm đội trưởng ở đội tuyển quốc gia.
So với thế hệ đàn anh, U22 Việt Nam thì hiện tại không tìm ra được một ngôi sao, hay cầu thủ nổi bật nào vượt trội hẳn về chuyên môn. Nói đúng hơn là một hoa tiêu dẫn lối. Đó là điều không may của Quan Văn Chuẩn cùng đồng đội so với thế hệ đi trước. Ngay cả khi có 6 cầu thủ từng giành huy chương vàng SEA Games 31 và lọt đến vòng tứ kết Giải U23 châu Á 2023, nhưng U22 Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm khuyết cần phải khắc phục, thay vì nghĩ về tấm băng đội trưởng.
U22 Việt Nam đang tích cực tập luyện ở Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Mà có tổ chức cuộc họp để bầu chọn đội trưởng, thì khả năng cao số phiếu thu về từ các ứng viên sẽ không chênh lệch là bao. Một khi số điểm không thể chạm đến ngưỡng cho phép, thật sự rất khó cho “chỉ huy” đứng ra chỉ đạo toàn đội. Có thể sau trận giao hữu cuối cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 24-4 tới, ông Troussier sẽ tìm được đội trưởng cho U22 Việt Nam. Nhưng cũng không loại trừ khả năng đến khi SEA Games 32 khởi tranh, tùy vào tình hình thực tế, “Phù thủy trắng”sẽ đưa ra những quyết định được cho phù hợp.
Dẫu sao thì đội trưởng của một đội tuyển, chưa chắc có chuyên môn nhỉnh hơn so với các đồng nghiệp, nhưng là một người có tiếng nói quan trọng, có sức ảnh hưởng ở hậu trường lẫn trên sân thi đấu và biết chịu trách nhiệm. Vai trò của đội trưởng không chỉ truyền ngọn lửa chiến đấu, thúc đẩy cảm hứng chơi bóng cho các đồng nghiệp, mà còn thay mặt toàn đội đòi lại sự công bằng, đấu tranh trong khuôn khổ cho phép với trọng tài, đồng thời xuất hiện lập tức vào điểm nóng để kịp giảm cái đầu nóng nếu có từ đồng đội. Tức đội trưởng không khác gì “cánh tay nối dài” của HLV trưởng.
Nếu không có gương mặt lớn tuổi như Hùng Dũng, thì để tìm đội trưởng cho U22 Việt Nam “đúng tuổi” như Lương Xuân Trường ở Giải U23 châu Á - Thường Châu 2018, hay Bùi Hoàng Việt Anh ở Giải U23 châu Á 2022, cũng đã là bài toán khó của HLV Troussier. Khi trong tay “Phù thủy Trắng” không có cầu thủ nào được xem là vượt trội về mọi tiêu chí cần có của một thủ quân.