Chạy bộ rất tốt nhưng phải an toàn

Mỗi vận động viên cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong lúc tập luyện như các bài tập khởi động, duy trì tư thế chạy bộ đúng, hít thở đúng, các bài tập giãn cơ sau khi chạy bộ và cách phòng ngừa chấn thương trong chạy bộ.

Các vận động viên tham gia giải chạy
Các vận động viên tham gia giải chạy

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tổ chức Giải chạy “UMC Run - Vươn tầm khát vọng” nhằm kết nối nhân viên y tế với nhân viên y tế; nhân viên y tế với cộng đồng và lan tỏa thông điệp tích cực về rèn luyện sức khỏe. Giải chạy thu hút gần 5.000 người tham dự bao gồm cả lực lượng phục vụ và cổ động viên, với các cự ly 1.5km (Kids Run), 5km, 10km, 21km, 30km.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Trưởng Ban tổ chức giải chạy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, chạy bộ là một trong những phương thức hiệu quả để rèn luyện sức khỏe. Do đó, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập, bệnh viện tổ chức giải chạy nhằm lan tỏa thông điệp về rèn luyện sức khỏe đến nhân viên y tế, cộng đồng và xã hội. Trong quá trình chuẩn bị cho Giải chạy “UMC Run – Vươn tầm khát vọng”, bệnh viện đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người tham dự với nhiều nội dung thiết thực như: “Những lưu ý trước, trong và sau khi chạy bộ”; “Các bài tập cho chạy bộ và cách phòng ngừa chấn thương trong chạy bộ” do chính đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện.

UMC Run nhằm kết nối nhân viên y tế với nhân viên y tế_ nhân viên y tế với cộng đồng và lan tỏa thông điệp tích cực về rèn luyện sức khỏe..jpg

Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi vận động viên cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong lúc tập luyện như các bài tập khởi động, duy trì tư thế chạy bộ đúng, hít thở đúng, các bài tập giãn cơ sau khi chạy bộ và cách phòng ngừa chấn thương trong chạy bộ. Đặc biệt, mỗi vận động viên đảm bảo cự ly đăng ký phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, tránh các sự cố không mong muốn trên đường đua. Ban tổ chức cũng gửi thông tin đến từng vận động viên cung cấp các kiến thức cần thiết để mỗi đường chạy thêm an toàn, thành công.

PGS TS BS Lê Minh Khôi – Phó Trưởng ban thường trực giải chạy, Trưởng phòng Khoa học và đào tạo Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi chỉ muốn tổ chức nội bộ với số lượng khoảng 300 vận động viên là đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, tuy nhiên ban giám đốc bệnh viện thấy rằng đây là hoạt động rất ý nghĩa, nên lan tỏa rộng rãi hơn nên quy mô của giải chạy đã được mở rộng.

Ca sĩ Đức Tuấn tham gia cự ly 30km.jpg
Ca sĩ Đức Tuấn tham gia cự ly 30km tại giải chạy

Với sự chuẩn mực của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ban tổ chức đã rất nỗ lực để mang đến một giải chạy chuyên nghiệp cho tất cả vận động viên. Mong rằng, với sự nghiêm túc, chuyên nghiệp của ban tổ chức, giải chạy của bệnh viện sẽ được duy trì mỗi năm để trở thành một sự kiện thường niên, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp khuyến khích nhân viên y tế và cộng đồng cùng tăng cường vận động, rèn luyện sức khỏe một cách khoa học, an toàn”.

Tin cùng chuyên mục