Tại bảng C, Thái Lan tạm xếp thứ 3 với 4 điểm. Đội bóng xứ chùa Vàng lần lượt kém 3 điểm và 6 điểm so với hai đối thủ xếp trên là Trung Quốc và Hàn Quốc. Với việc Hàn Quốc tỏ ra quá mạnh và gần như cầm chắc tấm vé đi tiếp với ngôi đầu bảng, thì tấm vé còn lại là cuộc cạnh tranh giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Tại lượt trận thứ 5 diễn ra vào ngày 6-6 tới, Theerathon Bunmathan cùng đồng đội phải làm khách trước chính Trung Quốc. Áp lực với Thái Lan lúc này rất lớn, bởi nếu không giành chiến thắng ngay trên sân nhà của đối thủ trực tiếp thì thầy trò Masatada Ishii chính thức chia tay vòng loại World Cup 2026 trước một lượt trận.
Còn nếu vượt qua được khó khăn để hoàn thành mục tiêu 3 điểm, Thái Lan sẽ cân bằng điểm số với Trung Quốc. Lúc đó, chỉ số về thành tích đối đầu giữa đôi bên sẽ được xem xét để xem đội bóng nào có lợi thế đứng trên trước khi bước vào lượt trận cuối cùng.
Đối diện áp lực phải thắng để nuôi hy vọng đi tiếp còn có Malaysia. Tại bảng D, thầy trò Kim Pan-gon có 6 điểm, kém 3 điểm so với hai đội xếp trên là Kyrgyzstan và Oman. Khó khăn thêm chồng chất với các tuyển thủ Malaysia khi phải làm khách trước đội đầu bảng Kyrgyzstan thuộc lượt trận thứ 5.
Ngay cả không thắng được Kyrgyzstan, Malaysia vẫn còn một chút cơ hội cho lượt trận cuối nếu Oman sảy chân trên sân nhà của Đài Bắc Trung Hoa. Tất nhiên, HLV Kim Pan-gon cùng học trò không muốn khả năng đi tiếp của mình phụ thuộc vào kết quả từ đối thủ khác. Vì thế, đại diện đến từ Đông Nam Á sẽ tiếp cận trận cầu với đội chủ nhà Kyrgyzstan với tâm thế “chung kết”. Khả năng cao Malaysia sẽ chọn đấu pháp phòng ngự phản công, và tùy vào thời điểm đẩy cao đội hình với hy vọng tạo ra được chiến thắng chung cuộc.
Lượt trận thứ 5 này khả năng cao chứng kiến ba đội đang xếp cuối bảng với 1 điểm là Myanmar (bảng B), Singapore (bảng C) và Philippines (bảng F) dừng bước tại vòng loại World Cup 2026. Bởi không chỉ đang quá thất thế về mặt điểm số, mà cả ba còn phải đương đầu với với những đối thủ được đánh giá vượt trội là Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.