VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 5: Bài học đắt giá từ FIFA

Tranh cãi trước thềm Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 8 hay các cuộc vận động phía hậu trường của nhiều ông bầu đã gây nên những phản ứng trái chiều. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP xin liên hệ cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA diễn ra năm 2016 sau cuộc khủng hoảng ở thượng tầng của tổ chức quyền lực nhất bóng đá thế giới.

Mạnh tay thanh lọc bộ máy

Năm 2015, FIFA đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khiến hàng loạt quan chức bị câu lưu và cấm tham gia hoạt động bóng đá. Vậy nhưng, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới đã mau chóng thay đổi diện mạo bằng việc thanh lọc bộ máy và tổ chức đại hội bất thường để bầu ra chủ tịch mới, kết thúc nhiệm kỳ 17 năm nhiều tai tiếng của Sepp Blatter.

Tính đến nay, FIFA đã có 209 thành viên trực thuộc 6 liên đoàn châu lục. Quy định trong điều luật FIFA ghi rõ, muốn trở thành thành viên của FIFA, điều kiện tiên quyết phải là thành viên của liên đoàn châu lục. Tuy nhiên, cỗ máy lớn lao và tạo ra vô số tiền của này đã dần dà bị tha hóa bởi bộ máy do Sepp Blatter điều hành kể từ năm 1998, khi ông thay thế người tiền nhiệm Joao Havelange.

Năm 2015, Blatter với quyền lực tuyệt đối của mình lại thắng cử ở tuổi 79 với 133 phiếu so với 77 phiếu của đối thủ là Hoàng tử Ali Bin al-Hussein. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đó diễn ra trong cuộc khủng hoảng thượng tầng khi nhiều quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng.

Các cuộc điều tra của báo chí đã cho thấy, mối liên kết của lãnh đạo FIFA với các hoạt động tham nhũng, hối lộ và cáo buộc gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA và quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar. Những cáo buộc này dẫn đến cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ dành cho chính quan chức cấp cao FIFA và 5 nhà điều hành doanh nghiệp về tội gian lận, lừa đảo và rửa tiền.

FIFA đặt trụ sở tại Zurich và là một hiệp hội được thiết lập dưới luật pháp của Thụy Sĩ. Vì thế, khi Chính phủ Thụy Sĩ ra lệnh bắt giam 14 quan chức FIFA vì cáo buộc tham nhũng, mọi thứ trở nên rối ren. Chủ tịch Sepp Blatter, Phó Chủ tịch Michel Platini và Tổng thư ký Jerome Valcke đều nằm trong số những người bị câu lưu. Nhưng FIFA không suy sụp, mà nhanh chóng vượt qua khủng hoảng khi quyền lực được trao lại cho Chủ tịch tạm quyền Issa Hayatou, vốn là vị Phó Chủ tịch FIFA có thâm niên lâu nhất (theo đúng quy chế FIFA).

Ủy ban đạo đức của FIFA đã ra những quyết định quan trọng để thanh lọc bộ máy vốn đã bị tha hóa, trong đó quyết định cấm Blatter và Platini hoạt động bóng đá trong 8 năm (sau đó giảm còn 6 năm).

VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 5: Bài học đắt giá từ FIFA ảnh 1 Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 2-2018
Vì một thế giới bóng đá thống nhất

Quy chế FIFA ghi rõ, cuộc bầu cử chủ tịch chỉ tiến hành trong Đại hội FIFA và đại hội bất thường. Bất cứ thành viên nào cũng được phép ứng cử nếu đáp ứng quy chuẩn của Ủy ban đạo đức FIFA. Vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử FIFA, cuộc bầu cử chủ tịch hồi tháng 2-2016 có đến 5 ứng viên.

FIFA từng “nắn gân” VFF

Còn nhớ vào năm 2006, FIFA đã lấy cái cớ Việt Nam nằm trong chương trình “Tầm nhìn châu Á” mà FIFA đã đổ vào đấy rất nhiều kinh phí nên buộc Việt Nam phải đi theo mô hình của FIFA. Ai cũng hiểu, FIFA chẳng vô cớ lại đi “nắn gân” bóng đá Việt Nam nếu như không hiểu rõ nội tình VFF. Khi đó, FIFA đã được nghe AFF và AFC báo cáo đầy đủ về tổ chức bóng đá là thành viên trong đại gia đình của mình và việc gửi tối hậu thư chỉ là một động thái trong kế hoạch chấn chỉnh bằng luật riêng của FIFA lẫn biện pháp riêng của mình.

Trong tối hậu thư mà FIFA gửi đến bóng đá Việt Nam hồi năm 2006 có phân tích rất kỹ về những điều bất hợp lý mà bóng đá Việt Nam đang tồn tại: Ghế quá nhiều và việc có quá nhiều thành viên sẽ ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng. Tức là FIFA hiểu rất rõ cơ cấu của bóng đá Việt Nam - nơi người làm rất ít nhưng nói và giơ tay lại rất nhiều.

Tất cả thành viên của FIFA đều được phép tham gia bầu cử công khai ở khán phòng Hallenstadion (13.000 chỗ ngồi) tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Nếu 1 ứng viên giành được 2/3 tổng số phiếu, tương đương 138 phiếu ở vòng 1, thì người đó sẽ thắng cuộc. Nếu không, sẽ bầu vòng 2 và ứng viên với đa số sẽ trở thành Chủ tịch FIFA tiếp theo. Rốt cuộc, Gianni Infantino trúng cử, được cho là người cấp tiến trong tư duy cách tân FIFA.

FIFA quản lý bóng đá thế giới theo mô hình khu vực và điều này giúp họ dễ tiếp cận và chi tiết hơn tới từng vùng miền. FIFA cấm mọi sự can thiệp dưới góc độ chính trị, luôn đề cao sự độc lập của bóng đá, thì cũng chẳng lạ khi mỗi liên đoàn bóng đá khu vực mặc nhiên tự coi mình như một vương quốc riêng. Như thế, có thể hiểu rằng, áp lực và trách nhiệm cũng như sự kỳ vọng dồn lên vai tân Chủ tịch FIFA Gianni Infantino rất lớn.

Nó sẽ không giống việc Joao Havelange đã đưa bóng đá trở thành sản phẩm không thể thiếu trên truyền hình. Nó cũng sẽ khác với những điều mà Sepp Blatter đã làm, khi biến FIFA thành sản phẩm thương mại toàn cầu trị giá nhiều tỷ USD, có tầm ảnh hưởng và khả năng tác động đến mọi mặt đời sống. Giờ thì ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ bắt buộc dành cho ông Infantino và chính FIFA đó là xây dựng lại từ mái nhà trở xuống từng liên đoàn bóng đá khu vực và cả nền móng, bằng những “viên gạch trong sạch nhất”, như một sự khẳng định giá trị và những triết lý mà tổ chức này theo đuổi. Chỉ khi điều đó thành công, mới nghĩ tới một ngôi nhà không có rào cản ngăn chia bên trong và khẩu hiệu “một thế giới bóng đá thống nhất”.

Thời điểm thích hợp để cải tổ lại VFF

Điều đầu tiên khi nhắc đến sự thành công về mặt thành tích của VFF khóa VII, người ta thường nói đến thành tích của các đội tuyển khi đồng loạt 6 đội giành vé tham dự Vòng chung kết châu Á. Trong đó, đội tuyển U.23 Việt Nam đã có một màn trình diễn thật ấn tượng tại Vòng chung kết giải U.23 châu Á 2018 hồi đầu năm.

Chính thành công của U.23 Việt Nam đã tạo một luồng gió mát để đánh thức sự cuồng nhiệt, đam mê từ người hâm mộ cũng như sự quan tâm của toàn xã hội. Tôi nghĩ, đó chính là điểm nhấn rất quan trọng trước thềm Đại hội VFF khóa VIII tới đây. Cuộc đua tranh của các ứng viên trước Đại hội VFF khóa VIII, theo quan điểm cá nhân của tôi thì đa số ứng viên hiện tại đều chưa đủ sức, chưa đủ tầm để ngồi vào ghế chủ tịch.

Vai trò chủ tịch VFF trong thời điểm hiện nay phải đủ sức mạnh để có thể huy động mọi nguồn lực đến với bóng đá. Những vị trí phó chủ tịch, tôi nghĩ nên bầu chọn những người mạnh về lĩnh vực mà mình ứng cử. Tôi đơn cử như anh Trần Anh Tú, nếu đề cử vào vai trò phó chủ tịch tài chính thì có điểm mạnh về khả năng vận động tài chính… Hay như 13 vị trí ủy viên ban chấp hành, cũng cần những nhân vật có thế mạnh phụ trách mảng mà mình nắm. Như ai rành rẽ về bóng đá trẻ, ai có chuyên môn về bóng đá phong trào, bóng đá nữ… thì chọn đúng người để đưa vào. Không nên phí phạm bởi nhiệm kỳ tới chỉ còn 17 vị trí. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta cải tổ lại VFF.

Chính việc công kích trên mạng xã hội trong thời gian qua càng cho thấy điều đáng buồn ở VFF, đó là tình trạng thiếu đoàn kết nội bộ và chưa vì cái chung. Chính vì thế mà như tôi đã đề cập, chúng ta đang rất cần một vị lãnh đạo liên đoàn có uy tín để xây dựng lại khối đoàn kết, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội đến với bóng đá.

Chuyên gia ĐOÀN MINH XƯƠNG

Tin cùng chuyên mục