VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 4: Nâng cao sự minh bạch về quy chế làm việc

Với bản chất là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lại có một bộ máy tương đối cồng kềnh, những “xung đột” về mặt quan điểm giữa các cá nhân trong VFF nếu có xảy ra, cũng là chuyện bình thường, nếu điều đó đem đến kết quả tốt cho bóng đá Việt Nam, nhưng…
VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 4: Nâng cao sự minh bạch về quy chế làm việc ảnh 1 Vì sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, mong rằng ban lãnh đạo VFF khóa 8 sẽ cùng nhìn về một hướng. Ảnh: ANH KHOA
Những việc “cực chẳng đã”
Sự việc ông Trần Anh Tú - đại diện của VFF - được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, về lý thuyết là đi ngược lại nguyên tắc “độc lập tương đối” của công ty này với VFF. Bởi nguồn gốc ra đời của VPF là do các CLB không chịu được cách điều hành của VFF nên phải “ra riêng”; qua đó có thỏa thuận là mỗi năm VFF sẽ nhận “tiền cứng” 10 tỷ đồng để phát triển bóng đá phong trào, phần còn lại sẽ nhận lãi theo số 34,5% cổ phần. Nên nếu để VFF “nắm” VPF thì chẳng khác gì “cánh tay nối dài”.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, VFF không nhận thêm khoản nào, ngoài “tiền cứng”. Theo báo cáo tài chính của VPF vì không có lãi nên không thể chia cổ tức cho các cổ đông như VFF. Cũng theo các báo cáo này, chỉ trong vòng 3 năm (2015-2017), tổng chi của VPF lên đến gần 400 tỷ đồng, hàng năm chỉ lãi khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.
Như đã phân tích, VFF chỉ có 2 nguồn thu có thể phát sinh thêm, đó là tài trợ từ các đội tuyển và từ VPF. Tuy nhiên, tài trợ đội tuyển thì phụ thuộc khá nhiều vào thành tích - tăng thì ít, tụt giảm thì nhiều - nên VFF đành phải trông đợi từ khả năng sinh lời của VPF. Tiếc là vì các khoản chi hằng năm quá lớn nên công ty này luôn ở trong tình trạng “từ lỗ đến hòa vốn”.
Cũng cần biết rằng, trước khi giao cho VPF, mỗi năm VFF thu được ít nhất 30 tỷ đồng từ V-League. Tất nhiên, sự ra đời của VPF là hợp quy luật, thực tế khi có công ty này, nguồn thu từ V-League tăng đến 3 lần. Khổ nỗi, có tăng nhiều hay ít thì VFF vẫn chẳng được hưởng thêm đồng nào. 
Có vẻ như “cảm thông” được điều này, Hội đồng quản trị (đại diện của các CLB chuyên nghiệp) 100% đã bầu cho đại diện VFF là ông Trần Anh Tú làm Chủ tịch HĐQT VPF, qua đó có thể kiểm soát tài chính và tăng được lợi nhuận nhằm giúp VFF có thêm tiền để hoạt động. 
Thế nhưng, việc này lại khiến ông Trần Anh Tú nhận những chỉ trích gay gắt từ bầu Đức, cũng như một bộ phận truyền thông. Theo bầu Đức, ngoài các chức vụ tại VPF và futsal, nếu ông Tú được bầu làm phó chủ tịch tài chính ở đại hội sắp tới thì chẳng khác nào “bỏ hết trứng vào một rổ”, có thễ dẫn đến việc “thao túng quyền lực” khi ông Tú nắm hầu hết các nguồn tiền của bóng đá Việt Nam.
Chuyện một người ngồi nhiều ghế không phải là chuyện hiếm tại Việt Nam. Ông Tú từ trước đến nay chuyên làm mảng futsal, giới bóng đá sân cỏ có lẽ chỉ nghe tên chứ ít khi tiếp xúc. Trong khi đó, các CLB chuyên nghiệp đều là những công ty, tức phải có người giỏi việc kinh doanh, chẳng hiểu tại sao sau 2 lần tổ chức đề cử, vẫn không có ai nổi bật để làm đối trọng với ông Tú ở vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính. Việc ông Tú được các CLB ủng hộ kiêm nhiệm nhiều công việc tại VPF và VFF cũng là sự gián tiếp thừa nhận ông Tú được việc hơn những người khác. 
Đây là những sự việc “cực chẳng đã”, cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực của bóng đá Việt Nam. Hoặc có thể nói, VFF đang thiếu người làm, thừa người “nổ”.
Thiếu người giỏi 
Hơn ai hết, bầu Đức cũng biết VFF cần thêm tiền để hoạt động, nhưng hầu như không ai chịu đi kiếm tiền hoặc không có khả năng kiếm tiền. Hơn ai hết, bầu Đức cũng hiểu rõ sự trì trệ của bộ máy VFF hiện nay. Việc thiếu các ứng cử viên chất lượng cao ở những vị trí quan trọng càng phản ảnh thực tế VFF hiện không đủ uy tín để thu hút người giỏi như các vị trí của mảng tài chính, truyền thông nhiệm kỳ hiện tại. 
Như chúng tôi đã đề cập, trong hoàn cảnh hiện nay, đừng vội quan tâm đến chuyện một người giữ nhiều chức vụ mà cái lo ngại là không ai chịu nhận việc để làm, khiến cơ hội đổi đời của bóng đá Việt Nam sẽ lại vụt qua như nhiều lần trước. Bởi để bóng đá Việt Nam lớn mạnh, vấn đề không chỉ là kiếm thật nhiều tiền mà phải có sự thay đổi mạnh mẽ ở nhiều khâu khác.
Ví dụ như bóng đá trẻ. Hiện các giải vô địch U.17, U.19, U.21 đều trao gửi cho các đơn vị xã hội thay mặt tổ chức, còn các CLB chuyên nghiệp lại không hề chú trọng việc tham gia, dẫn đến chất lượng thi đấu thiếu ổn định. Ở bóng đá chuyên nghiệp, các giải U thường được diễn ra song song với giải vô địch quốc gia để tăng tính kế thừa. Như vậy, VFF phải có biện pháp “ép” các CLB xây dựng các đội tuyển trẻ, sử dụng cầu thủ trẻ nhiều hơn theo đúng thực chất chứ không chỉ làm để đối phó với quy chế chuyên nghiệp. Chưa kể, chính VFF cũng cần có cơ chế đào tạo cầu thủ trẻ riêng nhằm làm gương cho các CLB và bổ sung nguồn nhân lực cho các đội tuyển. Chỉ tính riêng việc này, cũng đã thấy một “núi” công việc cho các Ban phong trào, Ban bóng đá chuyên nghiệp và cả Ban tài chính - tài trợ, Công ty VPF.
Với V-League cũng thế, cần có cuộc cách mạng thật sự. Hàng năm, các CLB bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để thi đấu, nhưng doanh thu của VPF hiện nay chỉ khoảng 100 tỷ đồng, như vậy, tiền chia lại cho các CLB chẳng đáng là bao. Nguồn thu từ bản quyền truyền hình vẫn là con số 0, dù về lý thuyết, khoản này chiếm đến 70% doanh thu của các nền bóng đá chuyên nghiệp. Nếu cứ hoạt động như hiện nay, các CLB vẫn cứ lỗ mà VFF cũng chẳng có thêm chút kinh phí hoạt động nào, lấy đâu ra tiền để chăm sóc cho bóng đá nữ hay hỗ trợ các địa phương duy trì bóng đá phong trào.
Nhìn cùng một hướng
Tranh cãi, thậm chí đấu đá nhau trước các kỳ đại hội là “chuyện thường ngày ở huyện”; tuy nhiên, hãy vì bóng đá Việt Nam, có tranh ghế thì cũng để ngồi vào làm chứ đừng tìm một chức vụ rồi chẳng làm gì cả. Bởi thực tế, bóng đá Việt Nam hiện vẫn còn khá bấp bênh. Các CLB đang chịu lỗ triền miên, chất lượng V-League chưa được cải thiện nên bản thân VFF vẫn phải tự bươn chải chứ không giống như các nơi khác. 
Ở các LĐBĐ châu Âu, họ thường hưởng lợi từ các CLB, cả khâu tài chính lẫn đào tạo trẻ. Với các tổ chức như FIFA, AFC, họ có trong tay những giải đấu làm ra tiền và có bản quyền truyền hình giá trị cao. Họ sử dụng nguồn tiền đó quay ngược lại hỗ trợ cho các thành viên, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận để đem bóng đá đến những nơi còn khó khăn, hoặc làm công tác từ thiện xã hội theo nguyên tắc “tiền của xã hội được trả về cho xã hội”. Đây chính là lý do cơ bản để FIFA hạn chế việc can thiệp của cấp Nhà nước đến các liên đoàn bóng đá. 
Trong khi đó, VFF hiện nay không phải là chỗ ngồi đó để hưởng lộc. Tổ chức này vừa phải kiếm ra tiền để hoạt động vừa tìm cách khuyến khích đào tạo trẻ và tìm biện pháp phát triển bóng đá phong trào, học đường. Công việc khá nặng nề nên rất cần có thêm sự đóng góp từ những cá nhân, tổ chức có nội lực về tài chính, chuyên môn chứ không cần những con người lấp đầy các vị trí trong bộ máy mà suốt cả nhiệm kỳ không làm việc gì cả.  
Tóm lại, VFF cần thay đổi hình thức bầu bán, nâng cao sự minh bạch về quy chế làm việc, làm tròn trách nhiệm và vai trò của từng cá nhân trong bộ máy ban chấp hành, tăng hiệu quả hoạt động của các bộ phận cũng như Công ty VPF và quan trọng hơn cả, đó chính là bất kỳ ai tham gia vào tổ chức này phải cùng nhìn về một hướng, cho dù đôi khi có thể họ bất đồng quan điểm.

Tin cùng chuyên mục