VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 2: VFF thay đổi từ đâu?

Câu nói “mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội” của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực đã cách đây hơn 10 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Nó xuất phát từ cơ chế làm việc thiếu khoa học, không rõ ràng về trách nhiệm và những quy chế lỏng lẻo, cũ kỹ của tổ chức này…
VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 2: VFF thay đổi từ đâu?
Luôn đi sau thời cuộc
Cựu cầu thủ, chuyên gia Trịnh Minh Huế nhận xét: “Nhiều người lo rằng, những tranh cãi, đấu đá nhau trước thềm bầu cử VFF sẽ làm hỏng đại sự sau thành công của U.23, tuy nhiên tôi không bi quan như vậy. Những tranh cãi có phần nặng nề ấy giúp chúng ta vỡ ra được nhiều vấn đề và cho thấy cơ chế quản lý cũng như quy chế hoạt động của VFF đang không ổn. Nếu có quyết tâm, chúng ta cần sửa chữa những thứ không được ấy, rồi hãy tiến hành đại hội vẫn chưa muộn”.
Điểm qua lịch sử hoạt động của VFF, có một điều rất dở của tổ chức này, đó là họ chỉ “nhúc nhích” mỗi khi… có chuyện. Thậm chí, phải đợi “chuyện lớn” mới chịu xem xét lại cách thức làm việc của mình. Đơn cử như cuộc bầu cử đại hội nhiệm kỳ 4. Đó là thời điểm kết thúc “thế hệ vàng” tại Tiger Cup 2000 mà hoàn toàn không có tuyến kế thừa. Sức ép buộc VFF phải “chấp nhận” lần đầu tiên có sự tham gia đông đảo của nhiều nguồn lực xã hội, cũng là lần đầu tiên vị trí chủ tịch được dành cho “người ngoại đạo”. Đó là ông Hồ Đức Việt, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (sau đó là Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực). Đến đại hội nhiệm kỳ 5, VFF mới thành lập các bộ phận chuyên biệt về truyền thông, tài chính, xuất phát từ một thất bại khác ở Tiger Cup 2004. Rồi năm 2012, sự ra đời của Công ty VPF nhằm cải tổ V-League cũng đến từ sự bức xúc của các ông bầu chứ không phải do VFF chủ động thực hiện. 
Nói cách khác, VFF luôn thụ động trước sự thay đổi của hoàn cảnh. Sự thụ động này nhiều lần khiến bóng đá Việt Nam phải “trả giá đắt”. Ví dụ như, sau chức vô địch AFF Cup 2008, nhiệm kỳ 5 vốn làm việc kém hiệu quả vẫn được tái cử mà không cần đưa ra kế hoạch hành động nào. Hậu quả là trong vòng 2 năm sau đó, làng cầu nội địa rơi vào trạng thái hỗn loạn từ cấp đội tuyển đến V-League mà đỉnh điểm chính là bài phát biểu “chấn động” của bầu Kiên cuối năm 2011. 
Những bài học ấy không nên tái diễn ở nhiệm kỳ 8, bởi như đã nói, bóng đá Việt Nam đang ở trong một thời điểm có tính bước ngoặt. Đây là lúc VFF nên chủ động chọn cách tiếp cận mới cho phù hợp với hiệu ứng to lớn từ thành tích của U.23, bắt đầu từ việc tiêu chuẩn hóa bộ máy, hợp lý hóa khâu bầu cử để chọn đúng người ngồi đúng ghế, nâng cao tính hiệu quả trong 4 năm nhiệm kỳ sắp đến.
Lỗi hệ thống
Ông Võ Quốc Thắng - từng là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, đánh giá VFF gặp vấn đề ngay từ khâu bầu cử, khi mà các chức danh lãnh đạo được bầu… trước khi bầu ban chấp hành (BCH). Điều này dễ dẫn đến trường hợp: Lãnh đạo có thể bị BCH “qua mặt” nếu không phải là người trong nghề hoặc ngược lại, BCH có khi chỉ là bù nhìn nếu không cùng ê kíp với những vị trí quan trọng nhất. Nếu trong tình huống rơi vào 1 trong 2 trường hợp trên, chắc chắn là VFF sẽ không thể hoạt động hiệu quả, mâu thuẫn nội bộ triền miên làm triệt tiêu năng lực.
Đi vào chi tiết. Trong điều lệ VFF mới sửa đổi 2014, các vị trí phó chủ tịch không có một tiêu chí chọn lựa cụ thể nào cả. Công việc của họ do chủ tịch phân công và chỉ chịu trách nhiệm với chủ tịch. Như vậy, chức năng, quyền hạn của các cấp phó chỉ nằm trong khuôn khổ nhỏ hẹp, nên lẽ ra họ phải được bầu bởi BCH, tức là những người sẽ cùng làm việc chung với sau suốt 4 năm dưới quyền ông chủ tịch. Đằng này, các phó chủ tịch lại được bầu công khai ở đại hội nên dễ dẫn đến trường hợp: Ông chủ tịch buộc phải dùng một người mà có thể mình chẳng biết gì, chỉ vì người đó được đại hội bầu. Công việc của cấp phó là do chủ tịch phân công thì chí ít ông ta phải được quyền lựa chọn và đề cử rồi mới bầu chọn. Hơn nữa, VFF hoạt động theo chế độ nhiệm kỳ 4 năm, để hiệu quả cần có một ê kíp tốt ngay từ đầu, chứ không thể vừa làm, vừa tìm hiểu năng lực của nhau.
Về bản chất, VFF chỉ là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được lập ra để thay mặt Nhà nước điều hành nền bóng đá, nhưng VFF không có chức năng bao trùm mọi nhiệm vụ của nền bóng đá. VFF chỉ quản lý dựa trên 67 thành viên của tổ chức mình. Khoảng 1/3 số thành viên này, lại đơn thuần chỉ đại diện cho quyền lợi của mình, ví dụ như một số CLB chuyên nghiệp hiện nay hoạt động độc lập, không đào tạo trẻ cũng không đại diện cho địa phương mình đặt trụ sở. Trong khi đó, có rất nhiều thành phần đóng góp quan trọng khác cho nền bóng đá không liên quan gì đến VFF, ví dụ như các trung tâm đào tạo bóng đá tư nhân hoặc địa phương. Vì lẽ đó, VFF nên hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể với quyền quyết định cao nhất thuộc về BCH. Nếu bầu thẳng các chức danh lãnh đạo thì xem ra, vai trò của BCH sẽ bị triệt tiêu hoặc chỉ như bù nhìn. 
Lợi ích nhóm và tình trạng “chạy ghế”
Trong 67 phiếu được quyền bầu cử, thì đến 36 phiếu thuộc về các CLB chuyên nghiệp, hạng nhất và hạng nhì - chừng đó đã chiếm quá bán. Thêm vào đó là 1 phiếu đến từ Công ty VPF, cũng đại diện cho nhóm này. Kế tiếp, VFF có 19 liên đoàn bóng đá cấp địa phương thì đa số cũng gần như phụ thuộc vào các CLB. Như vậy, chỉ cần số thành viên này dồn phiếu cho một đại diện của họ thì  chắc chắn sẽ thắng cử, thậm chí là các vị trí cao nhất đều thuộc về nhóm này, trong khi chúng ta đều biết, ở bóng đá chuyên nghiệp, đôi khi quyền lợi các CLB có sự mâu thuẫn lớn với quyền lợi chung của nền bóng đá. Rõ ràng là tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”.
Ở khía cạnh khác, việc bầu trực tiếp dẫn đến tình trạng “chạy ghế”. Do quy định của VFF cho phép ứng cử viên chỉ cần 1 đề cử là có quyền tham gia bầu bán, nên trong trường hợp hy hữu nào đó, sẽ có 1 người chẳng được ai biết đến lại thắng cử nếu biết cách vận động hành lang, ví dụ như ở vị trí phó chủ tịch truyền thông khóa 8 sắp đến, hiện có đến 5-6 ứng cử viên. Nhiều khả năng ứng viên chỉ cần nhận 15-20 phiếu bầu là đã chiến thắng. Có thể thấy, việc tìm số lượng phiếu ủng hộ ít như vậy không quá khó khăn cho dù ứng viên đó chỉ nhận 1 đề cử (hoặc tự ứng cử) lúc ban đầu. 
Trong lịch sử các cuộc bầu cử đại hội VFF, đã có khá nhiều trường hợp những người thắng cử chỉ nhờ các lời hứa “có cánh” lúc tranh cử, sau đó thì chẳng làm gì cả suốt 4 năm nhiệm kỳ để “hưởng lộc”. Hoặc có những nhân vật nổi tiếng tâm huyết bóng đá, địa vị xã hội cao, nhưng vì không có quan hệ gần gũi với các CLB nên đành rút lui từ rất sớm, sau khi nhận thấy các phiếu bầu bị thao túng, kiểm soát ngay trước thềm đại hội.
Chính từ những bất cập về mặt quy chế hoạt động của VFF, đã dẫn đến tình trạng các ứng cử viên thay vì trình bày đề cương tranh cử, vận động công khai thì lại tập trung vào chuyện “chạy dây” hoặc tung ra các chiêu trò nhằm hạ thấp uy tín của đối thủ. Những bất cập nói trên sẽ giảm đi rất nhiều nếu VFF tổ chức bầu BCH trước và các ứng viên lãnh đạo nếu vượt qua được vòng này sẽ có khả năng tạo được đồng thuận cao hơn.

Tin cùng chuyên mục