Hơn 20 năm qua, bóng đá Việt Nam không thiếu những thời khắc huy hoàng, kể từ chiếc HCB SEA Games 1995. Chúng ta đã từng vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008… nhưng chưa bao giờ bóng đá Việt lại có nhiều cơ sở để tạo dựng riêng cho mình một đẳng cấp mới như thời điểm này.
Thành công của U.23 Việt Nam dường như đang làm thay đổi mọi thứ. Sân cỏ V-League trở lại thời hoàng kim, với những khán đài chật kín người xem. Đối tượng khán giả của bóng đá nội cũng thay đổi, nhiều người trẻ hơn đến sân bóng và theo sau đó là những mong muốn tài trợ của nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, tổ chức đang thay mặt nhà nước điều hành nền bóng đá là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đứng trước thách thức phải thay đổi để phù hợp với một chu kỳ phát triển mới.
Nhiệm kỳ của những kỳ tích
Chỉ trong năm 2017, VFF liên tục nhận 2 phần thưởng quan trọng “Liên đoàn Bóng đá của năm” đến từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF). Đó là sự ghi nhận cho những thành tích đặc biệt xuất sắc mà bóng đá Việt Nam đã làm trong năm 2017: 6 đội bóng U.16, U.19, U.23, đội tuyển quốc gia, đội tuyển nữ và tuyển futsal đồng loạt giành quyền dự các VCK châu Á. Có thể nói, bóng đá Việt Nam đã chính thức đạt đến trình độ châu lục.
Thành công trong năm 2017 chỉ là điểm thăng hoa của một nhiệm kỳ VFF thành công. Trong 4 năm làm việc của VFF khóa 7 (2014-2018), các đội U.16 và U.23, tuyển futsal đều 2 lần giành quyền dự giải châu Á, với U.19 là lần thứ 3 liên tiếp. Nếu căn cứ trên Chiến lược phát triển bóng đá 2020-2030 do Chính phủ phê duyệt, chúng ta đã hoàn thành sớm một phần kế hoạch.
Cổ động viên Việt Nam luôn cuồng nhiệt với bóng đá Nhiệm kỳ 7 VFF khởi đầu bằng cú hụt chân đáng tiếc của đội tuyển bóng đá nữ trong trận play-off giành vé dự World Cup năm 2014 ngay trên sân nhà, nhưng sau đó đã có những bước đi táo bạo để tạo ra các thành tích vượt bậc. Đầu tiên là việc trở lại sử dụng HLV ngoại với chuyên gia Toshiya Miura, giúp đội tuyển Olympic lần đầu tiên đứng đầu bảng ở một kỳ ASIAD (2014) và sau đó, đưa U.23 vào bán kết SEA Games 2015. Đến năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đội tuyển futsal giành vé dự World Cup và thậm chí, còn có chiến thắng đầu tiên ở sân chơi thế giới để vượt qua vòng đấu bảng. Ngay sau đó, đến lượt U.19 giành vé dự World Cup bóng đá trẻ thế giới 2017, điều vốn chỉ là giấc mơ của bóng đá Việt.
Nhưng có lẽ, đỉnh cao của quá trình thăng hoa ấy chính là ngôi á quân châu lục của U.23 Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua. Đó là một kỳ tích. Cả đất nước sống trong những thời khắc đẹp nhất của bóng đá. Truyền thông thế giới đã sửng sốt trước làn sóng người trong ngày đón đội tuyển từ Trung Quốc trở về. Nhiều chuyên gia nhận định, ngôi á quân của U.23 Việt Nam có thể so sánh với chiếc HCB lịch sử tại SEA Games 1995. Nó mang ý nghĩa cột mốc, có thể làm xoay chuyển một nền bóng đá.
Vận hội được mở ra
Trước năm 1995, bóng đá Việt Nam ở trong tình trạng bao cấp. Hệ thống giải vô địch quốc gia nhuốm màu tiêu cực với các trận đấu “3 điểm đi - 3 điểm về”, các liên minh “tay 3, tay 4” và cách làm bóng đá kiểu như “cần tiền mặt… không cần tiền đạo”… Tại các sân chơi khu vực, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ vào đến bán kết SEA Games.
Chiếc HCB ở ChiangMai 1995 làm thay đổi tất cả. Sau các thành công ổn định của đội tuyển quốc gia trong giai đoạn 1997-1999, đến năm 2001, bóng đá Việt Nam quyết tâm chuyển mình sang chuyên nghiệp. V-League chính thức ra đời với sự xuất hiện của hàng loạt ông bầu bóng đá mà đỉnh cao chính là chức vô địch AFF Cup 2008. Đây là bài học mang tính quy luật: Sau một thành công ở phần đỉnh cao, cần có ngay những đổi thay tương xứng ở phần nền tảng mới có thể duy trì sự phát triển bền vững và đạt thành tích nhảy vọt.
Ngôi vị á quân U.23 châu Á là điểm thành công của VFF nhiệm kỳ 7. Ảnh: ANH TRẦN Thế nhưng, trước và sau các thời khắc lịch sử ấy, VFF đều không thể tận dụng tốt thời cơ. Nhiều người cho rằng, chúng ta luôn có thói quen “ngủ quên trên chiến thắng” và không bao giờ chịu học những bài học đắt giá. Bên cạnh các thành tích nổi bật ấy, luôn xuất hiện những vụ việc tiêu cực, bán độ, bạo lực sân cỏ... làm kiệt quệ nội lực của nền bóng đá. Trong giai đoạn 2005-2010, V-League phát triển mạnh mẽ nhưng đi kèm với đó là các mảng tối trong hoạt động đầu tư bóng đá nặng tính đổi chác, thực dụng. Tiền đổ vào bóng đá nhiều nhưng chỉ khiến giá trị cầu thủ tăng phi mã. Hệ quả là chu kỳ phát triển của bóng đá Việt Nam khá ngắn ngủi, chỉ kéo dài 3-4 năm rồi phải “xóa đi làm lại”, lãng phí lớn các nguồn lực xã hội. Phần lớn trách nhiệm thuộc về sự quản lý thiếu tầm nhìn chiến lược của VFF. Năm 2003, sau khi rời nhiệm sở, cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực đã phải thốt lên: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”. 4 năm sau, đến lượt HLV Alfred Riedl đúc kết sau gần 8 năm làm việc: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”.
Nhưng ngôi á quân của U.23 Việt Nam đã tạo ra một viễn cảnh hết sức lạc quan. Đó là một thế hệ cầu thủ được kết tinh từ hệ thống đào tạo trẻ bài bản, chuyên nghiệp… do các CLB đầu tư suốt 10 năm qua. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, họ đã trình diễn thứ bóng đá trong sáng và mạnh mẽ, có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều thành phần trong xã hội. Không như các thời khắc vinh quang trước đây, kỳ tích U.23 được tạo ra bởi một quá trình lâu dài, nối tiếp các thành công lứa tuổi U.16, U.19, sự ổn định ấy chính là tiền đề của thắng lợi tại Thường Châu - Trung Quốc.
VFF buộc phải thay đổi
Có một nghịch lý: VFF khóa 7 vừa trải qua 4 năm thành công rực rỡ nhưng cũng chưa từng có giai đoạn nào mà bóng đá Việt Nam khó khăn đến thế, từ thượng tầng đến cấp CLB.
Ngay giữa nhiệm kỳ, Chủ tịch Lê Hùng Dũng gặp vấn đề về sức khỏe, phải ủy quyền lại cho Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Tình hình tài chính của VFF cực kỳ eo hẹp, chỉ đạt 50% so với thời đỉnh cao khiến bảng cân đối tài chính bị âm, dù đây là lần đầu tiên, vị trí đứng đầu lĩnh vực tài chính của VFF là một doanh nhân (ông Đoàn Nguyên Đức đảm nhiệm). Các nhà tài trợ đội tuyển quốc gia rút lui gần hết, chỉ còn đúng một thương hiệu trụ lại. Đội tuyển quốc gia đang ở trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, không thể thành công tại AFF Cup 2016 và bị loại sớm ngay vòng bảng SEA Games 2017.
V-League lâm vào hoàn cảnh khốn khó khi mà bạo lực sân cỏ, sự cố trọng tài khiến cho lượng khán giả sụt giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử. Các vụ bán độ ở đội Vissai Ninh Bình, Đồng Nai càng làm kiệt quệ niềm tin của người hâm mộ. Tình trạng “1 ông bầu, nhiều đội bóng” càng khiến cho tương lai của V-League mờ mịt.
Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đó là việc ngân sách VFF không đủ tiền trả lương cho những HLV ngoại như Miura hay Park Hang-seo, dẫn đến việc bầu Đức phải bỏ tiền túi hoặc do một doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ. Các chuyến tập huấn của các đội tuyển đều dựa trên mối quan hệ với 2 làng cầu Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tiết giảm chi phí…
Thế nên, xét một cách công bằng, VFF nhiệm kỳ 7 đã làm tốt hơn những gì mà người ta có thể kỳ vọng, theo kiểu “con nhà nghèo vượt khó học giỏi”. Nhưng đồng thời, thực trạng đó cũng cho thấy nếu ngay trên thượng tầng VFF không tạo được sự thay đổi mạnh mẽ về mô hình hoạt động, không xây dựng được tầm nhìn chiến lược thì chẳng chóng thì chầy, bóng đá Việt Nam lại quay về vết xe đổ của nhiều nhiệm kỳ trước đây.
VIỆT QUANG - LINH HOÀNG