Không chỉ đông đảo về số lượng, VFF hiện nay còn tồn tại một vấn đề: có quá nhiều chức vụ mà chúng ta vẫn hay gọi là “ghế ngồi”. Có một số ban chỉ gồm 3 thành viên nhưng hết 2 ghế trưởng và phó. Tính riêng các chức vụ, thì có đến 35 ghế/17 ủy viên BCH. Tất nhiên là một số ghế phó ở các ban, không bắt buộc phải là ủy viên BCH, nhưng thực tế thì VFF ít khi sử dụng người ngoài.
Quá nhiều ghế, tự nhiên sẽ phát sinh sự dư thừa không đáng có. Tiêu biểu là ghế Phó chủ tịch truyền thông, thường kiêm luôn trưởng ban truyền thông và đối ngoại. Cho đến giờ chưa ai giải thích vì sao VFF lại có chiếc ghế này. Những chuyến xuất ngoại, quan hệ quốc tế thường do Phó chủ tịch chuyên môn hay trường hợp đặc biệt là Chủ tịch trực tiếp làm việc.
Sự dư thừa của chiếc ghế này được thể hiện rõ nhất ở nhiệm kỳ vừa qua khi vị phó chủ tịch đương nhiệm thường xuyên thốt lên câu “tôi không biết vì không được ai cho biết”. Trong khi đó, với chức năng và quyền hạn của mình, lẽ ra vị phó chủ tịch này phải nắm rõ các công việc của những phòng ban để còn thay mặt VFF trả lời giới truyền thông mới đúng.
Ngoài ghế phó chủ tịch truyền thông, một số ban chức năng cũng lộ rõ sự dư thừa. Ví dụ như Ban chiến lược suốt cả nhiệm kỳ vừa qua chẳng thấy đưa ra chiến lược nào trong bối cảnh đã có sẵn - Chiến lược phát triển bóng đá 2020-2030 mà Chính phủ phê duyệt khá chi tiết. Tình trạng này xảy ra tương tự ở Ban y học thể thao, trong khi các Ban bóng đá chuyên nghiệp và Ban tư cách cầu thủ hoàn toàn có thể nhập thành một.
Đặc tính cơ bản nhất của những chiếc ghế, đó là phải có người ngồi. Vấn đề là nhiều người ngồi vào rồi nhưng lại chẳng biết phải làm cái gì, có cần thiết hay không và nếu không làm thì cũng chẳng sao cả. Hội đồng HLV quốc gia là một ví dụ cho thấy dù mang trên mình nhiều ý nghĩa, nhưng thực tế là các công việc của Hội đồng này hầu như không mang một vai trò gì đối với sự phát triển của hệ thống các đội tuyển quốc gia.