Thực tế là mỗi khi không bằng lòng điều gì đó, nhất là điều đang gây bất lợi cho bản thân mình cũng như CLB của mình, các ông bầu đã không ít lần sử dụng chiêu “dọa bỏ giải” để gây sức ép lên VFF và VPF.
Còn nhớ ở mùa giải 2013, bầu Thụy gây chú ý với phát biểu dọa bỏ bóng đá nếu VFF và VPF không chấn chỉnh công tác trọng tài và giải quyết dứt điểm chuyện bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng cùng dự V-League. Sau khi bị Ban kỷ luật trừ 4 điểm ở mùa giải 2013 sau những nghi án tiêu cực, bầu Thụy đã giải thể hẳn đội bóng chứ không còn là dọa.
Một ông bầu gốc Ninh Bình khác là bầu Trường cũng nhiều lần dọa bỏ bóng đá. Chính bầu Trường sau thời gian nợ lương, thưởng các cầu thủ kéo dài bị phản ứng cũng tuyên bố giải tán đội bóng vì các cầu thủ đã đình công. Sau vụ bê bối bán độ bị phanh phui, bầu Trường đã cho giải tán luôn đội 1 ở V-League
Bản thân bầu Đệ của Thanh Hóa trước đây cũng từng nhiều lần dọa bỏ bóng đá sau những bức xúc với trọng tài, nhưng chưa một lần thực hiện. Những lần dọa đó của bầu Đệ, chủ yếu chỉ là gây sức ép với BTC giải.
Mùa giải 2016, bất bình với án phạt treo giò Omar tới 8 trận, lãnh đạo CLB Thanh Hóa tuyên bố sẽ không tiếp tục tham dự V-League nữa nếu VPF không giảm án phạt cho đội trưởng của mình.
Còn gần đây nhất ở mùa giải năm ngoái, cho rằng đội bóng của mình bị ép trong trận đấu trên sân Thống Nhất chiều 19-2, ông Võ Thành Nhiệm - chủ tịch CLB Long An tuyên bố: “Chúng tôi thi đấu trên sân nhà cũng bị ép, thi đấu trên sân khách càng bị ép trắng trợn hơn. Nếu tình hình này tái diễn, CLB Long An sẽ rút lui khỏi bóng đá”.
Hầu như mùa giải nào cũng xuất hiện việc các ông bầu, chủ tịch CLB dọa bỏ giải. Dường như đó đã và đang trở thành một thói quen xấu ăn sâu vào máu của những người làm bóng đá Việt.