Tổ tiếp sức 4x400m nữ của đội tuyển điền kinh Việt Nam gồm các tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc đang giữ số 1 tại châu Á. Điều này có được là bởi các tuyển thủ của chúng ta đã thi đấu và giành tấm HCV nội dung trên tại giải điền kinh vô địch châu Á 2023. Trong lịch sử, thành tích trên là lần đầu tiên tổ tiếp sức 4x400m nữ giành được khi đã thi đấu các kì vô địch châu Á từ trước tới nay. Đây là một sự tự hào cho điền kinh Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, tất cả nhìn nhận sòng phẳng thì trên thực tế, chúng ta không phải đội có được chỉ số chuyên môn tốt nhất ở nội dung này tại châu Á trong những năm qua. Qua mỗi giải có các tính chất thi đấu khác nhau và các đội tuyển quốc gia có những chiến thuật của mình để cử thành phần tham dự hoặc giữ quân chưa lộ diện nên chỉ vào giải chính thức như ASIAD hay Olympic là những gương mặt tốt nhất mới lộ diện.
Nhìn lại lịch sử các kì ASIAD được tổ chức từ khi bước sang giai đoạn năm 2000 trở lại đây, chỉ số chuyên môn của các đội tiếp sức 4x400m nữ giành ngôi vô địch ở đấu trường này luôn ổn định, không có nhiều xáo trộn. Tại ASIAD năm 2002, đội nữ Ấn Độ đã giành HCV nội dung trên với thành tích 3’30”84. Tại ASIAD năm 2006, đội nữ Ấn Độ vẫn vô địch với kết quả 3’32”95. Tới ASIAD năm 2010, đội nữ Ấn Độ vẫn bảo vệ được tấm HCV nhưng thành tích 3’29”02 đã được ghi nhận là kỉ lục Đại hội. Đến ASIAD năm 2014, đội nữ Ấn Độ vô địch và đạt thông số 3’28”68 để thêm một lần nữ lập kỉ lục Đại hội. Tại ASIAD năm 2018 ở Indonesia, đội nữ Ấn Độ giành HCV nội dung trên với thành tích 3’28”72.
Làm thế nào để vượt được đội tiếp sức 4x400m nữ Ấn Độ và giành huy chương sẽ được đội điền kinh Việt Nam thể hiện trên đường chạy tại Hàng Châu (Trung Quốc) trong tối 4-10 bởi những gương mặt trọng điểm của chúng ta đã có một tháng tập huấn ở Thượng Hải (Trung Quốc) rèn mình sẵn sàng ra tranh tài. Chúng ta chưa một lần giành được HCV nội dung trên nên đang khát cao có thành tích ấy, dù có thể không thành công nhưng ít nhất cũng là chạm tay vào được một tấm huy chương trong lần thi đấu này.
Tiếp sức 4x400m nữ của Việt Nam bắt đầu thể hiện được triển vọng phát triển, có khả năng để đầu tư phấn đấu giành thành tích tốt là khi chúng ta giành HCV tại SEA Games năm 2003 trên sân nhà. Tổ tiếp sức 4x400m nữ của Việt Nam lúc đó gồm Nguyễn Thị Tình, Dương Thị Hồng Hạnh, Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Nụ giành HCV với kết quả 3’38”06. Cứ thế, tổ tiếp sức của nội dung trên được đào tạo, phát triển và có nhiều lứa VĐV tham gia qua những giai đoạn khác nhau. Trong 3 kì SEA Games gần nhất là 30, 31, 32, tổ tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam đều giành HCV. Tại SEA Games 30 năm 2019, chúng ta vô địch với đội hình Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng (3’34”64). SEA Games 31 tổ chức năm 2022 tại Việt Nam, chúng ta có đội hình Hoàng Thị Ngọc, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền và giành HCV (3’37”99). SEA Games 32 tổ chức tháng 5-2023 tại Campuchia, đội tiếp sức của Việt Nam vô địch với đội hình Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ngọc (3’33”05).
Chúng ta rất hy vọng 4 tuyển thủ hiện tại đạt được kết quả tốt nhất tại ASIAD 19 lần này. Trong đó, gần như chắc chắn đây sẽ là kì ASIAD cuối của Nguyễn Thị Huyền nên chân chạy này quyết tâm để có được một tấm huy chương dành tặng bản thân.
Tất cả đang chờ đợi bốn cô gái của điền kinh Việt Nam thể hiện đúng khả năng tại ASIAD 19. Ảnh: MINH MINH |
Trên đấu trường ASIAD, trong hai lần gần nhất trước khi thi đấu ASIAD 19 này, chúng ta đã góp mặt tranh tài tiếp sức 4x400m nữ. Năm 2014 tại ASIAD diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc), đội tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam về hạng 5 với kết quả 3’33”20. Năm 2018 tại kì thi đấu ASIAD ở Palembang (Indonesia), chúng ta giành HCĐ (đội hình Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc, Quách Thị Lan) với kết quả 3’33”23. Điền kinh Việt Nam đã giành được thành tích huy chương ASIAD trong nội dung trên vì vậy sẽ chờ đợi kết quả lập lại tại Hàng Châu (Trung Quốc) ở tối 4-10.