Thực ra ở giai đoạn 1 mùa trước, Hà Nội còn có thời điểm khủng khoảng nặng hơn nhiều. Cụ thể là từ vòng 4 đến vòng 10, đá 6 trận thì họ chỉ thắng được 1, thua đến 3. Thời điểm đó, không ai tin Hà Nội FC lọt vào được nhóm 8 đội tranh chức vô địch khi mà tổng số trận thắng sau 10 vòng của họ chỉ là 3.
Nhưng một cú tăng tốc ngoạn mục, cùng với vài cú ngã của các đối thủ khác, đã giúp đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm vào tốp 8 dù cũng chỉ có 20 điểm sau 13 trận. Đây là kết quả lượt đi (13 trận đầu tiên) tệ nhất của Hà Nội tính từ năm 2010.
Dù niềm tin về khả năng ngược dòng của Hà Nội vẫn còn đó, và hoàn cảnh hiện tại cũng chưa tệ hơn cùng thời điểm mùa trước, nhưng có vẻ như Hà Nội FC không vội vã thì mọi việc sẽ hỏng bét. Đầu tiên, năm nay chỉ có tốp 6 là tranh vô địch. Số đội ít lại thì tính cạnh tranh cao hơn.
Chưa biết Hà Nội thắng được bao nhiêu trận trong 11 vòng còn lại của giai đoạn 1, nhưng khả năng họ thua thêm là có, với những trận đấu trên sân Lạch Tray (vòng 3), Thống Nhất (gặp TPHCM vòng 7) hay Pleiku (vòng 10), chưa kể trận đá với Viettel trên sân Hàng Đẫy.
Một vấn đề khác: Hà Nội không yếu đi so với chính họ, nhưng các đội khác thì rõ ràng là mạnh hơn. Bình Dương, HA.GL hay TPHCM là những ứng cử viên mới cho chức vô địch, trong khi các đội bị xem là ứng viên rớt hạng như Bình Định, Nam Định hay Thanh Hóa lại đang chơi tưng bừng.
Hà Nội FC còn 11 trận, họ buộc phải thắng 6 trận nếu muốn chắc chắn vào tốp 6. Những chiến thắng ấy cần phải xuất hiện sớm, ngay 2 vòng đấu trước Tết là tốt nhất khi Hà Nội chỉ gặp Hải Phòng và Đông Á Thanh Hóa. Đêm dài lắm mộng, không có ít nhất 3 điểm trước khi nghỉ Tết, Hà Nội lúc đó có muốn vội cũng chẳng được.