Mặc dù ông Park đánh giá rằng lứa cầu thủ U.22 vừa dự Giải vô địch Đông Nam Á có thể hình tốt hơn hẳn các đàn anh Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Văn Đức… chưa kể các chỉ số cơ thể và tiềm năng phát triển của họ không thua kém, nhưng thực tế đã chỉ ra có một khoảng cách nhất định về trình độ chuyên môn và tư duy chơi bóng giữa 2 thế hệ cầu thủ. Đấy chính là lý do ông Park ưu tiên cho khuynh hướng sử dụng cầu thủ có sự pha trộn giữa kinh nghiệm và khát vọng khẳng định bản thân. Các trường hợp Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Tiến Linh… là những thí dụ điển hình.
“Tôi cho rằng lứa cầu thủ mới của đội tuyển U.23 Việt Nam lúc này hay những gương mặt cũ từng thành công ở VCK U.23 châu Á năm ngoái đều là tương lai của bóng đá Việt Nam. Họ có những ưu, nhược điểm khác nhau. Vấn đề là với những con người đó, cách chúng ta đầu tư và sử dụng họ ra sao cho phù hợp mà thôi. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ và được xếp vào diện biệt tài như Quang Hải, Công Phượng, càng cần sự tinh tế của người cầm quân”, ông Park Hang-seo cho biết.
Thậm chí, theo nhà cầm quân người Hàn Quốc, nếu có cơ hội thì các CLB ở Việt Nam nên tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ của mình ra nước ngoài tập luyện và thi đấu, bởi lẽ “điều đó không chỉ tốt cho CLB, mà cho cả các đội tuyển mà cầu thủ sẽ phục vụ trong tương lai”.
Suy cho cùng, dù không đem học trò ra để so sánh, nhưng rõ ràng lứa cầu thủ U.22 hiện nay khó mà chạm đến những cột mốc lớn giống như các đàn anh của mình. Bóng đá Việt Nam phải rất nhiều năm mới “ra lò” được một thế hệ đặc biệt như thế. Điều cần thiết nhất lúc này, như thổ lộ của ông Park Hang-seo, các CLB nên quan tâm và chăm chút hơn đến cầu thủ trẻ, tạo thói quen sử dụng họ ở các sân chơi V-League, vì điều đó mới giúp tôi luyện bản lĩnh và trình độ cho cầu thủ trẻ, thuận lợi hơn cho các nhà truyển trạch ở cấp độ đội tuyển.