Nhìn gốc hay trông ngọn?

Tròn 2 tháng sau Asiad 19, ngày 14-12, ngành thể thao sẽ tổ chức buổi Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Sự kiện được kỳ vọng góp phần làm rõ được nhiệm vụ cấp thiết của ngành thể thao ở thời điểm hiện tại.

Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: P.MINH
Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: P.MINH

Quá trình thực hiện “Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thời gian qua bộc lộ một vấn đề lớn, đó là khả năng dự báo kém. Chúng ta chỉ thực hiện được mục tiêu đứng đầu SEA Games và không đạt được những mục tiêu về huy chương vàng tại Asiad hay các suất dự Olympic. Ví dụ như số HCV tại Asiad trong hơn 20 năm qua cũng chưa vượt được con số 4, còn số suất dự Olympic cũng chỉ loanh quanh 10 vé chính thức bằng cách vượt qua vòng loại.

Dự báo không đúng có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do không đánh giá được sự phát triển chung của thể thao châu Á và thế giới. Chúng ta dự kiến sẽ tiến một bước, thì đối thủ đã tiến 2-3 nên thực tế là chúng ta… đứng yên. Thứ hai, đó là do nền tảng phục vụ cho thể thao thành tích cao đã cũ, yếu, lạc hậu. Khả năng đào tạo lực lượng kế thừa chậm, dẫn đến việc dự báo sẽ có độ vênh lớn so với năng lực.

Tại kỳ Asiad 19 không thành công vừa qua, có vẻ như nguyên nhân thứ hai mới là cốt lõi. Đại hội thể thao châu Á diễn ra ở Trung Quốc không có những đột phá về chuyên môn, số lượng kỷ lục thế giới và châu Á không nhiều. Các đoàn thể thao Đông Nam Á giữ được vị trí cao hơn Việt Nam cũng thông qua các môn thế mạnh của họ, nên không thể nói là họ tiến bộ nhiều hơn chúng ta.

Vậy nên, có lẽ vấn đề lớn nhất mà hội thảo của ngành thể thao nên hướng đến đó là phải điều chỉnh lại tầm nhìn của mình dựa trên thực trạng từ cơ sở vật chất, mức đầu tư, chất lượng đào tạo VĐV thay vì căn cứ trên thành tích hiện tại để đưa ra những dự báo không chính xác cho tương lai. Tức là phải nhìn vào phần gốc, có đầu tư trọng tâm, xác định được môn nào phát triển ở tầm Olympic, môn nào dành cho Asiad, cũng như cách “ứng xử” với SEA Games phù hợp.

Thể thao thế giới biến động liên tục do sự phát triển của yếu tố chuyên nghiệp. Những quốc gia không có truyền thống về thể thao, nhưng chỉ sau 5-7 năm thì đã thành “cường quốc” như trường hợp Ấn Độ. Nhiều quốc gia chuyển sang mô hình nhập tịch VĐV để “săn” huy chương, thực hiện những cú “nhảy vọt” chắc chắn nằm ngoài dự báo của thể thao Việt Nam. Vì thế, cách để đưa ra tầm nhìn tương đối chính xác nhất vẫn là tinh gọn, hiệu quả trong đầu tư thể thao thành tích cao.

Tin cùng chuyên mục