Hàng thủ vững chắc của đội tuyển Việt Nam

Đội tuyển Việt Nam đang trải qua hành trình ấn tượng tại giải Đông Nam Á (ASEAN Cup) 2024 với cơ hội lớn được góp mặt ở trận chung kết. Bên cạnh hàng công bùng nổ, sự vững chắc nơi tuyến phòng ngự cũng góp sức lớn cho thành công của đoàn quân HLV Kim Sang-sik tính đến thời điểm hiện tại.

HLV Kim Sang-sik bắt tay hậu vệ Thành Chung, cầu thủ thi đấu ổn định nhất ở hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam từ đầu giải
HLV Kim Sang-sik bắt tay hậu vệ Thành Chung, cầu thủ thi đấu ổn định nhất ở hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam từ đầu giải

Sau chiến thắng ấn tượng 2-0 trước Singapore tại bán kết lượt đi giải Đông Nam Á (ASEAN Cup) 2024, nhiều người hâm mộ đang tin tưởng vào việc đội tuyển Việt Nam sẽ giành vé vào chơi trận chung kết. Điều này được thể hiện ra qua việc rất đông cổ động viên đã xếp hàng dài với hy vọng sở hữu tấm vé vào sân ở màn tái đấu đối thủ đến từ Đảo quốc Sư tử trên sân Việt Trì.

Thành công vừa qua của đoàn quân HLV Kim Sang-sik nằm ở sự bùng nổ nơi hàng công với những cá nhân xuất sắc như Nguyễn Xuân Son hay Nguyễn Tiến Linh. Cũng không quên nhắc đến tuyến phòng ngự vững chắc – trở thành điểm tựa lớn. Nội dung bài viết này xin đề cập đến màn trình diễn ấn tượng của các nhân tố nơi hàng thủ, góp công vào hành trình vừa qua của Những chiến binh Sao Vàng.

471708624_917285393938708_7474774404209518671_n.jpg
Thủ quân Duy Mạnh với sự hiệu quả trong các pha không chiến

Đoàn quân HLV Kim Sang-sik là đội để thủng lưới ít nhất tại vòng bảng của ASEAN Cup 2024 khi các thủ môn chỉ phải 2 lần vào lưới nhặt bóng. Chúng ta đánh bại Lào 4-1, Indonesia 1-0, hòa Philippines 1-1 và giành chiến thắng 5-0 trước Myanmar. Trong số 4 đội lọt vào bán kết, Thái Lan thủng lưới 4 bàn, Singapore 5 bàn và Philippines 3 bàn tại vòng bảng. Ở lượt đi vòng bán kết, chỉ duy nhất Việt Nam không để thủng lưới ( Việt Nam thắng Singapore 2-0, Philippines thắng Thái Lan 2-1). Trong 2 bàn thua của đội tuyển Việt Nam, có 1 bàn từ chấm 11m trận gặp Lào.

Sự vững chắc của hàng thủ đến từ phong độ tốt của các thủ môn. Nguyễn Filip bị thủng lưới 1 bàn ở trận hòa Philippines còn Nguyễn Đình Triệu để thua 1 bàn trận gặp Lào. HLV Kim Sang-sik đã tạo ra sự cạnh tranh lớn nơi vị trí trấn giữ khung thành khi người gác đền Việt kiều không chắc suất bắt chính. Người gác đền thuộc biên chế CAHN mới ra sân 2 trận còn thủ môn của Hải Phòng có 3 trận bắt chính. Sự ganh đua gắt gao đã giúp cả 2 cùng tiến bộ.

z6133831610051_86fc8b8191eb50cf89723ce89c2ad721.jpg
Văn Thanh có thể trở lại đá chính ở hành lang phải thay cho Tấn Tài

Yếu tố quan trọng tiếp theo chính là sự ổn định ở bộ 3 trung vệ. Trận gặp Lào, HLV Kim Sang-sik sử dụng bộ 3 Duy Mạnh, Thành Chung, Tiến Dũng, trận gặp Indonesia là Thành Chung, Xuân Mạnh, Tiến Dũng, gặp Philippines là Duy Mạnh, Thanh Bình Việt Anh, trước Myanmar là Thành Chung, Xuân Mạnh, Tiến Dũng. Tại bán kết, Thành Chung, Xuân Mạnh, Tiến Dũng tiếp tục xuất phát, rồi Duy Mạnh vào thay người. Nhìn chung, Tiến Dũng hay Thành Chung là 2 nhân tố chủ chốt, tạo ra bộ khung vững chắc nên duy trì tính liền mạch, hiểu ý, bọc lót, hỗ trợ tốt cho nhau.

Sự ổn định nơi hàng thủ cũng xuất phát từ khả năng kiểm soát bóng vượt trội của đội tuyển Việt Nam. Tỷ lệ kiểm soát bóng ở vòng bảng qua từng trận của thầy trò HLV Kim Sang-sik lần lượt là 74%, 73%, 49%, 65%. Tại bán kết, chúng ta có tỷ lệ cầm bóng ít nhất với 33%. Như vậy, dễ nhìn thấy, việc kiểm soát trận đấu tốt giúp Đỗ Duy Mạnh và đồng đội hạn chế nhiều khả năng tấn công của đối thủ, qua đó bảo vệ an toàn cho khung thành đội nhà.

HLV Kim Sang-sik vốn xuất thân là một trung vệ thực thụ. Và dường như, ông cũng đang tìm ra phương án tốt để tạo ra sự chắc chắn cho khung thành đội nhà. Điều này hứa hẹn sẽ tiếp tục được phát huy trong quãng đường còn lại của giải đấu.

Tin cùng chuyên mục