Giữa “chảo lửa” của sân bóng tỉnh lẻ

Khi Thái Lan đăng quang AFF Cup 2022 đầy xứng đáng, với chiến thắng tổng tỉ số 3-2 trước Việt Nam sau 2 trận chung kết, đã giúp Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) xoa dịu cơn thịnh nỗ trong lòng giới mộ điệu về việc đẩy “Voi chiến” đến thi đấu ở Thammasat - một sân bóng thuộc tỉnh Pathum Thani - cách trung tâm thủ đô Bangkok tận hơn 40km, thay vì chọn “thánh đường” Rajamagala thân thuộc luôn là điểm tựa vững chắc của đội tuyển quốc gia.
Đội tuyển Thái Lan ăn mừng với các CĐV nhà
Đội tuyển Thái Lan ăn mừng với các CĐV nhà

Thật ra, để chuẩn bị cho trận chung kết lượt về giữa 2 đội, FAT đã gửi đơn lên Liên đoàn Bóng đá Đông Nam (AFF) cho phép tổ chức trận đấu trở lại Rajamagala. Lý do Rajamagala có sức chứa lên đến 55.000 người, hơn con số thực tế 2 vạn khán giả mà Thammasat được đón. FAT muốn tận dụng điều này với hy vọng sự ồn ào mà các CĐV tạo ra trên khán đài sẽ gây áp lực lớn hơn lên các cầu thủ Việt Nam. Và còn thêm một yếu tố “vận son” nữa, khi lịch sử từng chứng kiến “Voi chiến” từng 2 lần nâng cao AFF Cup tại Rajamagala. Nhưng đội nhà vẫn xuýt xoa khi đề xuất bị bác bỏ.

Tất nhiên, những gì diễn ra ở Thammasat vào ngày hạ màn AFF Cup 2022 đã làm hài lòng người trong cuộc. Chơi bóng tại sân bóng tỉnh lẻ, thầy trò Mano Polking được tiếp lửa không thua kém ở Rajamagala nổi tiếng. Nửa ngày trước thời điểm bóng lăn, hơn 1.000 CĐV Thái Lan đã “đội” dưới cái nắng 35 độ C đứng xếp hàng từ sớm, khi ban tổ chức tiến hành bán trực tiếp vài trăm tấm vé cuối cùng vào xem trận chung kết lượt về. Dù tỉ lệ chọi rất cao, xác suất mua được vé rất thấp, nhưng ai nấy cũng hy vọng bản thân nằm trong con số may mắn. Bởi bỏ lỡ một trận chung kết giữa 2 kỳ phùng địch thủ Thái Lan và Việt Nam khiến họ rất khó chịu.

Bầu không khí cuồng nhiệt được CĐV Thái Lan tạo ra trên sân Thammasat

Bầu không khí cuồng nhiệt được CĐV Thái Lan tạo ra trên sân Thammasat

Đến sát giờ thi đấu, dòng người đổ về sân Thammasat càng một đông hơn. Đi giữa hàng trăm cái bóng áo xanh là một nhóm từ vài đến chục CĐV Việt Nam tự hào hát vang những bài ca Cách mạng trên đất khách quê người. Người hâm mộ của 2 nước đã cùng nhau tạo nên bầu không khí lễ hội, điểm tô thêm sắc màu rực rỡ và tăng sự háo hức, hưng phấn trước giờ bóng lăn.

Nhưng chỉ khi vào bên trong sân, xuyên suốt 90 phút thi đấu và nửa tiếng trao các giải thưởng, ngồi theo dõi và hòa mình trong bầu không khí lễ hội mới thật sự choáng ngợp với cách cổ vũ của các CĐV Thái Lan. Một “lò nung” thật sự được gần 2 vạn người Thái tạo ra và khiến các học trò của HLV Park Hang-seo đối diện với trùng vây khó khăn. Giới mộ điệu xứ chùa Vàng có mặt ở Thammasat để cổ vũ, “tiếp lửa” cho Theerathon cùng các đồng đội. Họ nhảy múa, ca hát không ngừng nghỉ. Những tràng pháo động viên và tiếng hô đồng thanh “Thái Lan”, “Theerathon”… vang vọng khắp 4 khán đài. Và còn là những tiếng “ồ”, huýt sáo để gây sức ép mỗi khi cầu thủ Việt Nam chạm bóng. Chỉ cần liệt kê thế thôi cũng hình dung ra được cảnh “chảo lửa” Thammasat nóng bỏng và ồn ào thế nào.

Hai CĐV Việt Nam và Thái Lan giao lưu trước giờ bóng lăn

Hai CĐV Việt Nam và Thái Lan giao lưu trước giờ bóng lăn

Nhưng giữa gần 2 vạn khán giả Thái Lan có một nhóm gần 2.000 CĐV Việt Nam khoác lên sắc đỏ rực rỡ đã tạo nên nét riêng biệt. Họ đến một phần vì tiếp lửa cho đội tuyển quốc gia và còn là nói lời tạm biệt HLV Park Hang-seo, người chuẩn bị khép lại hành trình hơn 5 năm đầy cảm xúc với bóng đá Việt Nam. Mỗi CĐV đến Thammasat với mục đích riêng, nhưng tất cả đều có chung nhịp đập và tình yêu với trái bóng tròn.

Mỹ Đình (Việt Nam), Bukit Jalil (Malaysia) và Gelora Bung Karno (Indonesia) vẫn cho thấy phong độ ổn định của một trong những “sân khấu” bóng đá lớn nhất khu vực. Cộng hưởng nét chấm phá với lần đầu xuất hiện của Thammasat (Thái Lan) hay SVĐ quốc gia Campuchia đã làm AFF Cup 2022 tạo nên sức bật lớn từ trên khán đài, sau 1 mùa giải thi đấu tập trung ở Singapore bị hạn chế khán giả.

Tin cùng chuyên mục