Đua vô địch Giải futsal VĐQG 2023: Thể thức mới nhưng... chuyện không mới

Ngay cả khi Giải futsal VĐQG từ mùa giải 2023 đã chuyển sang tổ chức theo hình thức sân nhà - sân khách, đồng thời cho phép các CLB đăng ký ngoại binh thi đấu, thì điều này vẫn chưa đủ để thổi luồng gió mới cho cuộc đua vô địch. Đương kim vô địch Sahako và á quân Thái Sơn Nam, 2 CLB có nhân lực lẫn tiềm lực quá khác biệt so với phần còn lại, vẫn sẽ tiếp tục tạo ra cuộc đua “song mã” cho đường đến ngôi vương.
Sahako và Thái Sơn Nam vẫn sẽ đua song mã ở mùa giải 2023
Sahako và Thái Sơn Nam vẫn sẽ đua song mã ở mùa giải 2023

Nhắc lại chuyện cũ trong sự hụt hẫng. Hai mùa giải gần nhất, sự đầu tư mạnh mẽ từ giới địa chủ đã đưa Sài Gòn FC chen chân và tạo nên hình thái “tam mã” trong cuộc đua vô địch với Thái Sơn Nam và Sahako. Dù chỉ giành được huy chương đồng, nhưng sức sống mà “Chiến binh mãnh hổ” mang đến đã chiếm trọn trái tim của giới mộ điệu. Tất cả đã hy vọng về một cuộc tranh chấp quyết liệt và bùng nổ ở năm nay, khi Sài Gòn FC có thêm nhiều kinh nghiệm để tích lũy.

Chỉ tiếc, khó khăn về tài chính khiến Sài Gòn FC phải giải tán. Các cầu thủ của họ cũng “tan đàn xẻ nghé”, với 2 tổ đấu quyết định khoác lên bản sắc của tân binh Sông Hàn. Khoan nói đến chuyện giữ phong độ, việc hòa nhập với CLB mới đã là một vấn đề. Ngay cả HLV Huỳnh Việt Nam của Sông Hàn lại có kinh nghiệm thực tiễn ở futsal là “zero”. Và vì thế, không nhiều cơ sở để nhận định đại diện đến từ Đà Nẵng sẽ trở thành ứng viên đua vô địch dù sở hữu nhiều ngôi sao của Sài Gòn FC.

HLV Phạm Minh Giang - người từng đưa đội tuyển futsal Việt Nam lọt vào vòng 1/8 World Cup 2021 và 4 năm dẫn dắt Thái Sơn Nam, sẽ tiếp quản công việc ở Cao Bằng. Đi theo ông về Cao Bằng còn có bộ đôi cầu thủ từng ăn “cơm tuyển” Lê Quốc Nam và Cổ Trí Kiệt. Chất lượng đội hình của Cao Bằng đã được nâng cấp, nhưng Cao Bằng chỉ là đội futsal trẻ, vốn được xem là “sân sau” của Thái Sơn Nam. Ở cuộc đua đường trường, họ cần nhiều hơn những cầu thủ kinh nghiệm như Quốc Nam... để tỏa sáng vào thời khắc quyết định. Chưa kể, triết lý xây dựng của HLV Phạm Minh Giang cũng cần thời gian để các cầu thủ trẻ tiếp thu. Trong cuộc trao đổi, ông Giang trước mắt hạ mục tiêu vào tốp 5, và sẽ tịnh tiến ở các mùa kế tiếp.

Tuyển thủ Lê Quốc Nam khoác áo đội futsal trẻ Cao Bằng ở mùa giải 2023.

Tuyển thủ Lê Quốc Nam khoác áo đội futsal trẻ Cao Bằng ở mùa giải 2023.

Tương tự với Tân Hiệp Hưng, họ đón chào sự trở lại của chiến lược gia lão làng Trương Quốc Tuấn có thời gian dẫn dắt đội tuyển U20 futsal và quốc gia nữ Việt Nam. Nhưng nhìn vào đội hình của Tân Hiệp Hưng, vì quá đồng đều nên chẳng tìm ra được hoa tiêu nào đủ đẳng cấp để dẫn lối. Ở một sân chơi đầy khốc liệt, vai trò của đầu tàu vô cùng quan trọng. Đó là điểm khuyết của Tân Hiệp Hưng. Còn Thái Sơn Bắc và Khánh Hòa, trong 2 mùa giải gần nhất luôn giữ ổn định... vị trí thứ 4 và thứ 5 chung cuộc, thì việc năm nay nằm trong tốp 3 đã là thành công với họ. Điểm sơ các đội futsal để đặt ra câu tìm đâu ra CLB đủ lực để chen chân vào cuộc đua “song mã” giữa Sahako và Thái Sơn Nam?

Năm ngoái, Thái Sơn Nam đã đánh mất danh hiệu VĐQG vào tay Sahako. Nhưng trước khi thua Sahako, đội futsal của bầu Tú đã thua... chính bản thân mình. Vì sao? Chỉ trong 10 tháng, trung bình mỗi trụ cột của Thái Sơn Nam phải "cày ải" 36 trận, qua 6 giải đấu trong nước lẫn quốc tế, bao gồm cả khoác áo đội tuyển quốc gia. Cầu thủ Thái Sơn Nam mỗi năm thi đấu gấp 2 lần so với các đồng nghiệp ở CLB khác, chưa kể có phần nào đó “no nê” với danh hiệu. Từ đó, mới dẫn đến câu chuyện “chán bóng”, tâm lý mệt mỏi với các cầu thủ. Một vấn đề chưa bao giờ cũ với Thái Sơn Nam.

Làm gì có chuyện sáng tạo khi niềm cảm hứng, động lực chơi bóng của cầu thủ đã không còn? Dù đầy cố gắng, nhưng ở năm làm việc thứ 4, cây “đũa thần” của HLV Phạm Minh Giang cũng hết phép. Giới chuyên môn lẫn mộ điệu có chung nhận xét việc Giải futsal VĐQG có tân vương sẽ thổi luồng gió mới. Chính sự khát khao, nỗ lực vượt ngưỡng bản thân đã đưa Sahako lần đầu xưng vương. Chiều ngược lại, thất bại của Thái Sơn Nam chính là điều tốt để họ nhìn lại bản thân, để làm mới chính mình. Có đội nào đứng mãi trên đỉnh vinh quang! Việc HLV Phạm Minh Giang chủ động rời khỏi Thái Sơn Nam, để về làm công tác đào tạo trẻ ở Cao Bằng, cũng là cách để “giải cứu” cho các học trò.

Sahako vẫn giữ bộ khung đã đưa họ đến với danh hiệu VĐQG 2022.

Sahako vẫn giữ bộ khung đã đưa họ đến với danh hiệu VĐQG 2022.

Vì thế, sự xuất hiện của tân HLV Nicolas Gulizia, người từng có 5 năm làm trợ lý ở đội tuyển futsal Argentina và đang làm trợ lý cho đội tuyển futsal Việt Nam, được hứa hẹn sẽ thổi luồng gió mới và nâng cấp về mặt chuyên môn cho Thái Sơn Nam. Theo giới thạo tin, tân HLV của Thái Sơn Nam áp dụng triết lý “chạy, chạy và chạy”, đòi hỏi hơn về tốc độ và xử lý bóng nhanh, khéo ở các cầu thủ. Một Thái Sơn Nam đầy trẻ trung và năng lực tích cực đang được ông Nicolas thổi vào. Vài cầu thủ “luống tuổi” không chịu được cường độ tập luyện cao đã nói lời chia tay CLB, trong đó có bộ đôi công thần Quốc Nam - Vũ Xuân Du. Trong khi cựu cầu thủ Sài Gòn FC là Trần Tuyên được cho phù hợp với cách chơi của ông Nicolas nên đã trở thành tân binh CLB.

Thái Sơn Nam đã thay đổi HLV, còn đối trọng Sahako vẫn giữ bộ khung ổn định, với Khổng Đình Hùng, Lâm Tấn Phát, Mai Xuân Hiệp sắm vai đầu tàu. Công việc của HLV Nguyễn Tuấn Anh là nâng cấp bộ khung có sẵn. Họ vá những điểm khuyết bằng việc chào đón sự trở lại của Đặng Phi Tiến, Danh Phát và Huỳnh Mi Woen, những người cũ vốn quá hiểu môi trường cực kỳ đoàn kết ở Sahako.

Hãy nghe HLV Phạm Minh Giang nhận định: “Sahako đã chứng minh được sức mạnh của mình khi vượt qua Thái Sơn Nam để lên ngôi ở Giải futsal VĐQG 2022. Năm nay, dù đối diện với sức ép bảo vệ danh hiệu, nhưng đó cũng chính là động lực để họ khát khao, quyết tâm hoàn thành mục tiêu. Bên cạnh Thái Sơn Nam vẫn sẽ đua tranh quyết liệt với Sahako, tôi nghĩ năm nay còn có Thái Sơn Bắc rất đáng chờ đợi. Lực lượng của những đội này dày dặn kinh nghiệm, có chiều sâu và chuyên môn tốt”.

Tin cùng chuyên mục