Trả lời phỏng vấn trên iGuales Podcast, Ferrero đã bóc trần mọi thói hư tật xấu của “cậu học trò cũ”, dù khi ở bên nhau, họ đã có “những ngày tháng mặn nồng khá là thành công”, từ giữa mùa giải 2017 cho đến tận đầu năm 2018: “Để mà có thể vượt qua những Titan như là Roger Federer, rồi Rafael Nadal và Novak Djokovic, không chỉ bản lĩnh ở trên sân đấu, Alexander Zverev và cả "Phần còn lại của thế giới" còn phải cải thiện những thứ ở bên ngoài sân đấu, từ chế độ thực phẩm đến tình trạng thể lực”.
Kể từ khi “tạm báo sư” Ferrero,từ hồi tháng 7-2017 (gọi là… “tạm bái sư” vì ở vào thời điểm đó, Zverev vẫn một lòng muốn “học đạo” cùng với huyền thoại quần vợt Đức, và cũng là cựu sư phụ của Djokovic - ông Boris Becker, “kế sách bái sư Ferrero”, với anh, vì thế cũng chỉ là tạm thời), Zverev có màn trình diễn không tồi, khi vô địch ngay giải Citi Open ở Washington DC, tiếp tục vô địch Montreal Masters (Canadian Open), lọt đến bán kết China Open. Tuy vậy, thành tích của anh ở US Open rất tệ.
Bị loại ngay ở vòng 2 của Giải Mỹ mở rộng, “sinh khí” vừa có được sau khi “bái sư” Ferrero đã không còn, Zverev thất thủ liên tiếp ở Shenzen Open (bị loại ở vòng tứ kết), Shanghai Masters (thua ở vòng 3), Vienna Open (cũng bị loại ở tứ kết), Paris Masters (bị loại ngay sau trận đấu đầu tiên dù đã được miễn vòng 1), và rồi cũng chỉ thắng được 1/3 trận đấu ở Giải đấu tổng kết cuối mùa - ATP Finals (khi lần lượt thua Federer và Jack Sock và chỉ thắng được mỗi mình Marin Cilic - bị loại ngay sau bòng đấu bảng)!
Các kết quả đó, phần nào đã dẫn đến những mâu thuẫn sâu sắc ở giai đoạn đầu mùa giải 2018, và nó đã “bùng nổ” ngay tại Australian Open. Sau khi tuyên bố “chia tay” ông Ferrero vào ngày 23-2-2018, Zverev đã từng kể lại: “Chúng tôi kiểu như có một cuộc tranh cãi khá gay gắt sau giải Australian Open 2018, nhưng nó vẫn ổn nếu chỉ là sự mâu thuẫn riêng tư giữa tôi và ông ấy. Tôi từng có những tranh cãi kiểu như vậy với các thành viên đội hỗ trợ và sau đó, tất cả chúng tôi vẫn làm việc ổn cùng với nhau”.
“Nhưng cuộc tranh cãi này lại liên quan đến toàn đội của tôi, và có một khoảnh khắc khi ông ấy thể hiện sự rất không tôn trọng với tất cả những người khác trong đội hỗ trợ của tôi. Đó là lý do lý giải tại sao, tôi phải chấm dứt mối quan hệ này lại”, Zverev lý giải về nguyên nhân chấm dứt “bái sư” Ferrero.
Đến hôm nay, đã hơn 2 năm sau khi “chia tay”, vị HLV kỳ cựu người Tây Ban Nha, người đã từng leo lên ngôi số 1 thế giới hồi tháng 9-2003, sau khi đăng quang Roland Garros (danh hiệu Grand Slam duy nhất mà ông giành được) - những “chiến tích” mà Zverev chưa từng có, và cũng không biết khi nào mới đạt được, mới nói về những “vấn đề” của tay vợt trẻ người Đức gốc Nga, phần nào lý giải tại sao anh này đánh mất vị thế “Next Gen Đệ nhất nhân”, thậm chí là khó trở thành một tay vợt lớn thật sự…
“Tôi đã huấn luyện cho Zverev trong khoảng 8 tháng và tôi nhận biết được điều đó”, Ferrero đánh giá, “Cậu ấy luôn có những khoảnh khắc trồi sụt thất thường ngay trong 1 trận đấu và do đó, tại sao tôi nghĩ cậu ấy chưa thể thắng danh hiệu Grand Slam nào. Sự thiếu ổn định đó, dẫn đến việc cậu ấy rất hay chơi những ván đấu thứ 5 (ở đấu trường Grand Slam) với phong độ của một đồng xu xấp ngửa. Kiếm được quá nhiều tiền khi tuổi đời còn quá trẻ, khiến bạn bị choáng váng. Ở thời điểm đó, môi trường và vai trò là yếu tố then chốt”.
“Những tay vợt trẻ ngày nay (lứa “Next Gen”, hay Zverev và “phần còn lại của thế giới”) có quá nhiều thứ để xao lãng ở ngoài sân đấu. Những cuộc điện thoại di động, các trang mạng xã hội, bạn bè chơi bời… những người đột nhiên xuất hiện xung quanh. Tôi quan sát họ làm những trò hề trên Instagram, và chẳng nghĩ gì về quần vợt như thời của chúng tôi. Zverev, ví dụ, chỉ tập luyện khoảng 3 tiếng đồng hồ trên sân tập, nhưng cậu ấy thậm chí còn chẳng thể trình diễn một buổi tập chất lượng khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ”, Ferrero tiếp tục chỉ trích”.
“Bởi vì, trong cái buổi tập kém chất lượng đó, đầy rẫy những hành động phản đối hướng dẫn của HLV, bị gián đoạn, thái độ giận dữ phản kháng, bị xao nhãng. Ở thời điểm đó, chúng tôi đã “va nhau” vì sự lề mề, thái độ đi tập muộn, không đúng giờ của cậu ấy và sự thiếu tôn trọng với các thành viên trong đội hỗ trợ (cả 2 đều kể rằng, người kia “thiếu tôn trọng” những thành viên của đội, vậy ai mới là người nói đúng đây???), ngay cả cho dù cha của cậu ấy đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều”, Ferrero tiếp tục “tố” học trò cũ.
Zverev hiện đang xếp hạng 7 ATP. Sau “quá nhiều bể dâu”, và “về dưới trướng” Federer (Công ty của Federer hiện đang làm đại diện cho Zverev), tay vợt 22 tuổi sinh ra ở thành phố Hamburg đang tích cực “an cư lập nghiệp”. Đầu mùa này, anh đã khởi đầu khá thành công khi lọt đến bán kết Australian Open (thành tích tốt nhất của anh ở đấu trường Grand Slam) trước khi để thua “Đại ca của lứa Next Gen” - Dominic Thiem. Tuy vậy, mùa giải bị gián đoạn vì dịch Covid-19, Zverev không có thêm cơ hội “lên sóng” cho đến khi vi phạm luật cách ly hôm 11-4…