“Bái sư” Ferrero cho nửa sau mùa giải sân cứng
Như vậy, kể từ khi Tour đấu mùa hè Bắc Mỹ chính thức khởi tranh (với hàng loạt giải đấu rất đáng chú ý, như là City Open tại Washington, Montreal Masters – Rogers Cup, Cincinnati Masters – Western & Southern Open và cuối cùng là US Open), Zverev sẽ không chỉ làm việc với cha của mình, ông Alexander, mà còn làm việc với cả cựu tay vợt chuyên nghiệp đã giải nghệ từ hồi năm 2012.
Thông báo về công việc mới của mình, Ferrero cho biết từ Học viện Equelite của anh: “Zverev là một tay vợt rất khác biệt, cậu ấy có phong cách của một nhà vô địch. Đây là một thách thức rất thú vị và tôi sẵn lòng làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình. Tôi đã sẵn sàng nhận lấy công việc này và sẽ cố gắng giúp đỡ cậu ấy hết mình”.
Trong sự nghiệp đầy thăng trầm của mình, dù chưa bao giờ được xem là một tay vợt lớn, bất chấp chuyện đã trở thành “Nhà vua của ATP” hồi năm 2003, Ferrero được xem là một chuyên gia sân đất nện và từng thắng French Open hồi 14 năm về trước. Thành tích tốt nhất của anh ở các đấu trường Grand Slam khác là lọt đến bán kết Australian Open 2004, lọt đến tứ kết Wimbledon trong các năm 2007 và 2009, lọt đến trận chung kết của US Open 2003. Có thể nói, năm 2003 là “năm hoàng kim” trong sự nghiệp của Ferrero khi anh thắng French Open, giành vị trí á quân ở US Open và trở thành tay vợt số 1 thế giới.
Nhiệm vụ của Ferrero với Zverev là không đơn giản. Ít nhất, anh phải làm sao để Zverev còn đạt thành công tốt hơn so với giai đoạn nửa đầu mùa giải. Mà trong giai đoạn nửa đầu mùa giải, Zverev đã giành được 3 danh hiệu, đó là Open sud de France ở Marseille, BMW Open ở Munich, và Rome Masters. Ngoài ra, Zverev cũng đã lọt đến tứ kết Key Biscayne, tứ kết Madrid Masters, bán kết Ricoh Open ở Rosmalen và chung kết Gerry Weber Open ở Halle. Tuy nhiên, thành tích của anh ở đấu trường Grand Slam không mấy tốt. Anh chỉ lọt đến vòng 3 ở Australian Open, bị loại ngay ở vòng 1 French Open và lọt đến vòng 4 Wimbledon. Nếu có thể giúp Zverev cải thiện thành tích chưa bao giờ vượt qua vòng 4 đấu trường Grand Slam bằng một chiến tích ấn tượng ở US Open năm nay, Ferrero sẽ ghi điểm rất lớn.
Có thể, thành tích của Zverev ở Flushing Meadwos tại New York sẽ quyết định tương lai dài hạn của mối quan hệ giữa Ferrero và cậu học trò người Đức. Vì hiện tại, cả 2 vẫn chưa quyết định sẽ có tiếp tục hợp tác trong giai đoạn tháng 10 và tháng 11 năm nay hay là không. Ở thời điểm đó, Học viện của Ferrero sẽ bước vào giai đoạn bận bịu với việc tuyển sinh đợt mới.
Thân tại… Ferrero, tâm tại Becker
Thân tại… Ferrero, tâm tại Becker
Dù đã làm việc cùng với Ferrero và sẽ chính thức xuất hiện cùng HLV người Tây Ban Nha ở giải đấu tại Washington (Mỹ) từ ngày 31-7 tới, Zverev vẫn luôn dành sự ngưỡng mộ cho “cựu đại sư phụ” của Novak Djokovic, huyền thoại quần vợt người Đức – Boris Becker. Tay vợt vẫn chưa được nhiều người Đức công nhận như là đồng hương của họ từng nói rất nhiều lần rằng anh muốn thuê một HLV có đẳng cấp, từng là một huyền thoại trên sân bóng. Hồi đầu năm nay và một lần nữa là vào thời điểm cách đây 1 tuần lễ, Zverev có thừa nhận việc thuê một huyền thoại như là Becker ở thời điểm này là vượt quá khả năng tài chính của anh, vì giá thuê Becker quá đắt đỏ, mà anh thì mới ở trong giai đoạn phát triển đầu tiên của sự nghiệp, chưa có nhiều tiền thưởng và cũng chưa được nhiều nhà quảng cáo lưu tâm. Điều đó nói lên khát khao muốn được làm việc với cựu tay vợt người Đức của Zverev.
Trả lời phỏng vấn trên Wetl, Zverev cho biết: “Tôi vẫn liên lạc với Boris trong suốt một thời gian. Chúng tôi trao đổi cùng với nhau, và kinh nghiệm cùng với kiến thức của ông ấy có thể rất hữu ích đối với tôi. Tôi có thể được Becker huấn luyện trong tương lai hay không ư? Giáo trình về tâm lý, những chi tiết có thể đến sau”.
Trong mùa giải “bùng nổ” năm nay, khi Zverev thắng 3/4 danh hiệu trong sự nghiệp, anh đã kiếm được một khoản… kha khá là 2 triệu USD. Tổng cộng, kể từ khi chuyển sang chơi chuyên nghiệp hồi năm 2013 cho đến nay, Zverev đã kiếm được 4 triệu USD tiền thưởng, đó không phải là một con số nhỏ, nhưng anh còn cần sử dụng chúng vào các nguồn khác như đầu tư cho trang phục, trang thiết bị, tiền di chuyển, ăn ở khi đánh các giải đấu khắp nơi trên thế giới. Khoản tiền đó mới chỉ “đủ” để anh thuê một HLV thuộc dạng khá như là Ferrero, còn nếu muốn một HLV xuất sắc như là Becker, người anh đang rất khát khao, anh còn cần phải kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa.
Dẫn đầu trong Cuộc đua đến Milan
Sao cũng được, Zverev vẫn đang đứng đầu trong “Cuộc đua đến Milan”. “Cuộc đua đến Milan” là bảng xếp hạng của mùa giải 2017 dành cho những tay vợt U21 xuất sắc nhất thế giới mà 8 người dẫn đầu sẽ tham gia giải đấu Tổng kết cuối mùa “hạng 2” – U21 ATP World Tour Finals – diễn ra tại Milan trước ATP World Tour Finals tại London đúng 1 tuần. Tay vợt người Đức gốc Nga hiện đang có 2.710 điểm, tạo cách biệt rất xa so với Karen Khachanov (Nga) – 785 điểm hay là Borna Coric (Croatia) – 686 điểm.