Xung quanh việc chọn HLV ngoại hay nội cho đội tuyển Việt Nam

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang đứng trước quyết định quan trọng cho ghế thuyền trưởng của ĐTQG Việt Nam. Phương án lựa chọn HLV ngoại cho đội được ưu tiên hàng đầu, nhưng sính ngoại hay chọn nội vào lúc này là bài toán khó cho lãnh đạo VFF bởi nhiều lý do khác nhau.
 
VFF đang đứng trước bài toán khó về việc tìm tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: NGUYỄN NHÂN)
VFF đang đứng trước bài toán khó về việc tìm tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: NGUYỄN NHÂN)
Trong các đời HLV ngoại gần nhất dẫn dắt ĐTQG, thời HLV Calisto, Falko Goetz hay Miura, bóng đá Việt Nam có một lần bước lên đỉnh vinh quang ở khu vực với chức vô địch AFF Cup 2008. Tiếp đó là việc U23 Việt Nam lọt vào đến tứ kết ASIAD Incheon 2014. Có thất bại, có thành công, những ông thầy ngoại ít nhiều mang đến làn gió mới cho làng bóng Việt, nhưng đa số đều ra đi không kèn, không trống mỗi khi thất bại.
Xen kẽ giữa những lần bóng đá Việt Nam được dẫn dắt bởi một HLV ngoại là việc những ông thầy nội được tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng này. Từ HLV Phan Thanh Hùng cho đến Nguyễn Hữu Thắng, người hâm mộ cả nước chưa một lần được nếm mùi vị vinh quang ở những giải đấu được đánh giá là sân chơi quan trọng ở Đông Nam Á là SEA Games và AFF Cup. 
Tuy nhiên, vẫn có những thành tích đáng ghi nhận như việc HLV Nguyễn Hữu Thắng giúp cho U23 Việt Nam giành tấm vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2018 hay ĐT Việt Nam đang có thành tích tốt ở vòng loại ASIAN Cup 2019. Thế nhưng, những thành tích đó thật sự không làm người hâm mộ cảm thấy sướng khi họ vẫn mong chờ tấm huy chương vàng SEA Games hay ngôi vương AFF Cup thêm một lần nữa…
Chọn thầy ngoại cho ĐTQG đồng nghĩa với việc các tuyển thủ và trợ lý người Việt sẽ có cơ hội được học tập, làm việc với giáo án cũng như cách vận hành một đội bóng theo hướng chuyên nghiệp nhất. Những bài học từ những nền bóng đá phát triển sẽ giúp cho từng tuyển thủ, trợ lý tích lũy được cho bản thân những kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp của mình.
Nói như vậy không có nghĩa các ông thầy nội thụt lùi về trình độ so với các HLV nước ngoài. 
Hằng năm, sau khi giải VĐQG V-League hạ màn, trong khi các tuyển thủ được thoải mái nghỉ ngơi thư giãn bên gia đình thì những người thầy của ho phải lao vào học nâng cấp bằng, trao dồi thêm các chiến thuật mới để dùng cho mùa giải sau đó. Ở thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam đang có 16 HLV có được tấm bằng HLV Pro, tấm thẻ xanh để hành nghề tại V-League.
Dùng thầy ngoại ngoài yếu tố chuyên nghiệp, những bài tập chiến thuật mới thì việc bất đồng về ngôn ngữ khiến cho thông tin truyền đạt của những ông thầy này nhiều khi không đến hết được với các tuyển thủ. Chưa kể đến những bất lợi trong sinh hoạt cũng như cuộc sống hằng ngày.
Với thầy nội, họ không mất quá nhiều thời gian để truyền tải thông tin buổi tập đến với các tuyển thủ. Quãng thời gian đó họ dành để trực tiếp thị phạm cho các học trò trên sân. Sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ khiến cho khoảng cách giữa thầy và trò gần như là con số 0.
Chọn nội hay sính ngoại cho vị trí HLV trưởng ĐTQG vốn đang “việc tìm người” sau SEA Games 29 đều có mặt tích cực và hạn chế. Với quyền hạn và nhu cầu của mình, VFF cần phải có những con tính chuẩn xác cho vị trí quan trọng nhất cho bóng đá Việt Nam vào thời điểm này.

Tin cùng chuyên mục