Maria Sakkari thường quay trở về quê nhà Hy Lạp và sống cuộc sống tương đối bình thường, đi mua sắm với bạn bè, dắt gia đình đi ăn tối, dạo quanh đường phố Athens mà không bị cản trở - làm phiền. Sau đó, ở Roland Garros hồi năm ngoái, khi cô lọt đến bán kết đơn nữ, rồi kết hợp cùng với ngôi sao đồng hương nam - Stefanos Tsitsipas, giành vị trí Á quân ở nội dung đôi nam nữ, chỉ trong một đêm, họ khiến quần vợt trở thành môn thể thao thời thượng ở Hy Lạp.
Sakkari giờ đây cho rằng, quần vợt mà môn thể thao lớn thứ 3 của đất nước của các vị thần, chỉ xếp sau bóng rổ và bóng đá. Suốt mùa Hè vừa qua, bạn bè cô rất muốn đặt sân quần vợt - để chơi bóng tập luyện cùng cô, nhưng việc thuê sân rất chật vật. Hiện tại, khi Sakkari quay trở về đất nước mà cô gọi là quê nhà, hầu như cô không còn là một kẻ vô danh.
“Đó là thứ gì đó rất mới mẻ”, Sakkari chia sẻ với inews, “Thật sốc khi tôi phải thay đổi lối sống của mình. Nhưng không sao cả. Tôi vẫn có bạn bè như cũ, và gia đình của tôi. Và việc người ta chặn tôi lại ngoài đường chỉ để nói những gì tốt đẹp thật là hay ho. Và nếu tôi vẫn muốn sống ở Hy Lạp, tôi phải chấp nhận chuyện đó. Vì thế, tôi ổn. Cảm giác về mọi chuyện thật tuyệt vời vì giờ đây mọi người đều xem quần vợt”.
Trong môn thể thao nào cũng vậy, thành công, sự chú ý đi kèm với áp lực. Ở Roland Garros mùa này, cô được kỳ vọng sẽ là người chấm dứt “quyền uy tối thượng” của Iga Swiatek. Rất tiếc, tay vợt hạt giống số 4 của giải bị loại ngay vòng 2, khi để thua Karolina Muchova sau 2 loạt đánh tie-break căng thẳng. Đó là kiểu thất bại khó có thể tiếp nhận, đặc biệt sau quá trình gián đoạn thi đấu vì chấn thương và bệnh tật.
Tuy nhiên, Sakkari không suy sụp. Cô bước ra sân và nói với vị HLV người Anh - Tom Hill, rằng cô muốn có càng nhiều trận sân cỏ càng tốt để chuẩn bị cho Grand Slam tiếp theo là Wimbledon: “Tôi rất thất vọng, tôi rất buồn. Ngày hôm đó thật khó khăn khi tôi đã thua, nhưng mà tôi không muốn bỏ cuộc, bạn biết đó, và tôi chỉ nghỉ thi đấu đâu đó khoảng 2-3 tuần”.
Sân cỏ, trên giấy tờ, là mặt sân yếu nhất của Sakkari: Wimbledon là Grand Slam duy nhất mà cô gái quê ở Athens chưa từng vượt quá vòng 3, và trước mùa giải sân cỏ năm nay, cô chỉ thắng vỏn vẹn 16 trận trên mặt sân cỏ. “Nếu bạn không xuất thân từ Anh quốc, bạn không có cơ hội trưởng thành trên mặt sân cỏ”, Sakkari tâm sự.
“Tôi chơi giải sân cỏ đầu tiên khi đã 20 tuổi”, Sakkari tiết lộ cô đến với sân cỏ khá muộn nhưng điều đó sẽ không ngăn trở cô, “Nhưng tôi tự cho bản thân mình là một người rất cơ động, vì thế, đó là thứ hỗ trợ rất nhiều khi bạn bắt đầu chơi bóng ở trên mặt sân cỏ. Tôi không thấy tại sao tôi không thể chơi tốt trên mặt sân này”.
Bản lĩnh và lòng dũng cảm khiến Sakkari không né tránh nói đến mục tiêu vô địch Wimbledon năm nay, thay vì những lời sáo rỗng kiểu như: “Chỉ tính toán từng trận đấu một”, hay là “Có quá nhiều tay vợt giỏi ở ngoài kia”. “Tôi là một trong những tay vợt giỏi nhất thế giới”, Sakkari tự hào chia sẻ”.
“Tôi từng vươn lên ngôi hạng 3 thế giới (hồi tháng 3 năm nay), hiện đang xếp hạng 5 WTA. Bây giờ nếu không có áp lực thì khi nào mới có? Bạn càng làm tốt hơn thì áp lực và kỳ vọng càng cao. Nhưng một năm thì rất dài. Chúng tôi thi đấu suốt 11 tháng trời, vì thế, bạn sẽ không thể đạt đỉnh cao phong độ ở từng tuần lễ”.
Sakkari bắt đầu chiến dịch Wimbledon của mình bằng trận đấu Zoe Hives (Australia) vào tối khuya nay, sau khi trải qua 3 giải đấu sân cỏ mùa này với thành tích 5 trận thắng và 3 trận thua, lọt đến bán kết German Open. Cô cho biết thêm: “Wimbledon có ý nghĩa với tất cả mọi người, giải đấu này không chỉ đơn thuần là về điểm số”.
“Tôi lớn lên với tình yêu dành cho thể thao và như vậy là quá ổn. Nếu bạn chơi tốt ở mùa giải năm nay, bạn sẽ được thưởng điểm ở các giải đấu khác, một giải đấu có tính điểm hay không thì không thật sự quan trọng. Đương nhiên, với một số tay vợt, thật khó khi họ không bảo vệ điểm số, nhưng tôi ở đây để cố giành chiến thắng. Đó là mục tiêu của tôi. Đó là những gì tôi cố làm và sẽ làm ngay từ trận đấu đầu tiên”.