Cũng chính vì vậy mà tính chất của cuộc tranh tài được đẩy lên tầm mức quyết liệt hơn hẳn so với chính vòng loại sân chơi này hồi năm ngoái. Nhóm đội bóng được đánh giá hàng đầu châu lục như U.23 Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Iraq, Uzbekistan (đương kim vô địch), Việt Nam (đương kim á quân) chắc chắn sẽ được “chăm sóc” đến nơi đến chốn, trong đó cuộc hành trình của thầy trò HLV Park hang-seo ở bảng K được giới truyền thông châu lục đặc biệt quan tâm.
Có một thực tế là kể từ chiến tích mà U.23 Việt Nam tạo dựng ở giải đấu năm ngoái, bầu không khí làm bóng đá trẻ ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung nhộn nhịp hơn hẳn. Những đội bóng lâu nay bị cho là yếu hay thường xếp vào nhóm “lót đường” lại có quyền mơ đến các cuộc lật đổ những ông lớn. Cho nên, sự tiến bộ đáng kinh ngạc của bóng đá trẻ Việt Nam thời gian qua đã kích thích sự phát triển thực sự đối với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và ở nhiều quốc gia khác nữa.
Trở lại với thực tế vòng loại năm nay, ngoài bảng K tập trung nhiều đội bóng vùng Đông Nam Á nhất (U.23 Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Brunei), thì các đại diện khác như U.23 Singapore, Malaysia, Philippines hay Myanmar, Campuchia buộc phải lao vào cuộc chiến cạnh tranh vé đi tiếp khá khốc liệt. Nhưng dẫu tình hình có khó khăn thì tham vọng của các đội bóng vẫn được nêu cao, đều muốn điền tên mình vào vòng đấu bảng tiếp theo tại Thái Lan thời gian tới.
Hôm nay, U.23 Lào sẽ đụng độ U.23 Trung Quốc ở lượt đấu ra quân, nên điều đó giúp ích rất nhiều cho cả Malaysia lẫn Philippines nghiên cứu lối chơi và nhân sự của đối thủ nhằm chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chạy đua giành vé đi tiếp.
Tại bảng I, đội U.23 Myanmar được đánh giá cao hơn Timor Leste và Macao, tuy nhiên họ thật khó mà soán lấy ngôi đầu vốn được nhận định sẽ thuộc về U.23 Nhật Bản, đội bóng được xếp vào diện ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch.