"Tôi đã làm tất cả mọi thứ họ yêu cầu"
Voracova, người cũng bị giới chức Australia từ chối cấp thị thực nhập cảnh dù trước đó không hề ngăn cản cô ở sân bay, và hiện đang phải ở tạm trong Khách sạn Park trên đường Swanson để chờ thời, kể với phóng viên qua điện thoại: “Tôi đã làm tất cả mọi thứ họ yêu cầu. Rõ ràng là Liên đoàn quần vợt Australia đã đánh lừa chúng tôi, điều này thật khó chịu. Tôi chỉ muốn tập trung vào quần vợt, không phải chuyện visa, cách ly. Thật là kỳ lạ khi tôi đã ở đây suốt 1 tuần, thậm chí chơi 1 trận đấu. Và rồi họ đến tìm tôi…”.
“Câu chuyện thật sự rất dài. Nhưng tôi có thể kể là, trong 2 ngày vừa qua, tôi hầu như không làm chuyện gì ngoài việc gửi email cho luật sư của tôi, cho cả LĐQV Úc và những người có trách nhiệm quản lý việc cấp visa, hy vọng họ sẽ giúp tôi. Hiện tại, tôi đang phải cách ly tại khách sạn. Thành thật mà nói, cuộc thẩm vấn tôi vào hôm thứ Năm đã là quá đủ rồi. Tôi trải qua vài tiếng đồng hồ bị thẩm vấn cho đến khi màn đêm buông xuống. Tôi không muốn trải qua bất kỳ thứ gì giống như vậy nữa”, Voracova tiết lộ.
“Và hơn cả như vậy nữa, tôi hoàn toàn không thể chắc chắn quyết định sẽ được đảo ngược. Nếu sự tình không được giải quyết, tôi sẽ phải gửi một đơn xin cấp thị thực nhập cảnh khác và chờ đợi thêm 1 tuần trong căn phòng khách sạn đóng kín cửa này mà không thể bước ra sân để tập luyện. Ngay cả khi tôi được cấp visa, tôi sẽ có 1 trận đấu ngay 2 ngày sau và điều này với tôi thật không hợp lý một chút nào”, Voracova than thở qua điện thoại.
“Cuộc thẩm vấn diễn ra thế nào ư? Tôi không thể nói rằng họ ác ý với tôi. Nhưng tôi đã không được chuẩn bị cho cái cách mà mọi chuyện xảy ra. Tôi cảm giác như mình đang đóng bộ phim hành động của điện ảnh Hollywood và tôi không thể cảm thấy thoải mái. Tôi bị rất nhiều người hộ tống đến phòng thẩm vấn, cảm giác rất không an toàn. Tôi chỉ có một HLV từ LĐQV Úc đi theo và hỗ trợ tôi”, Voracova chia sẻ.
“Sau vụ lùm xùm của Djokovic, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ bị trục xuất. Rõ ràng, giới chức Úc xử lý các trường hợp khác nhau và mỗi một tay vợt đều được đối xử khác nhau. Tôi không rõ về trường hợp của Djokovic là như thế nào. Về phần bản thân tôi, tôi nhận được quyền miễn trừ y tế đặc biệt vì tôi đã mắc Covid-19 vào trước Giáng sinh, ngay những phút cuối cùng. Thêm vào đó, tôi có được một số chỉ định về y tế. Có thể nói, tôi đáp ứng tất cả các tiêu chí mà chính quyền Australia từng đưa ra”, Voracova cho biết.
“Tôi không gặp vấn đề gì khi kiểm tra hộ chiếu nhập cảnh. Họ xem xét các tài liệu mà tôi trình báo rất kỹ càng nhưng làm việc rất nhỏ nhẹ. Sau đó, Lực lượng Biên phòng Úc đã cho tôi qua ngay lập tức. Tôi đứng đợi với các quan chức bang Victoria, những người đã gửi giấy tờ cần thiết của tôi đi đâu đó. Rồi sau đó họ xác nhận tôi được nhập cảnh vào Úc mà không gặp bất cứ vấn đề gì”, cô gái vừa bị giới chức Australia “tóm lại” hôm thứ Năm kể về qua trình nhập cảnh không chút vấn đề gì của mình.
“Trường hợp của tôi, theo tôi nghĩ, bị ảnh hưởng bởi “cuộc săn lùng” Djokovic. Tôi không rõ nói như vậy thì có quá đáng không, nhưng tôi nghĩ vậy. Tôi không hiểu tại sao sau 1 tuần lễ không có vấn đề, họ lại đến tìm tôi và bắt đầu thẩm vấn tôi. Họ nói rằng: “Này, những gì đã xảy ra không còn giá trị nữa”. Họ đưa tôi về thẳng khách sạn để cách ly. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, dù họ không hành xử thô lỗ tầm thường. Thế nhưng, trải qua giai đoạn cách ly vốn chẳng dễ chịu chút nào. Bạn phải báo cáo hàng ngày, nhận đồ vật theo sự phân bổ, tôi cảm thấy ở đây hơi giống nhà tù”.
“Tôi không lên tiếng, cũng không đấu tranh vì không chắc tiếng nói của mình có thể mang lại sự khác biệt. Nhưng tôi thành thật mon muốn Djokovic chiến thắng trước Tòa vào thứ Hai. Còn ở trường hợp của tôi, mọi thứ sẽ mất thêm vài ngày nữa. Tôi không muốn lãng phí thời gian vào cuộc chiến chính trị đang diễn ra ở phía sau ngay tại đây. Tôi nghĩ rằng chính quyền Australia đã tìm ra một lỗ hổng trong giao thức mà bang Victoria dành cho Djokovic. Còn bây giờ, cũng có thể các luật sư của Djokovic đã tìm ra lỗ hổng trong giao thức của chính quyền Australia”.
“Tôi thậm chí còn chẳng biết rằng mình đang ở Khách sạn Park. Họ mang tôi đến đây từ lúc sáng sớm. Tôi cảm giác khá bình yên nhưng không được ra khỏi phòng. Các điều kiện sinh hoạt ở đây đều bình thường, kiểu tốt hơn nhà trọ. Không có bi kịch cũng chẳng có phô trương. Họ chỉ khóa tôi lại sau cánh cửa, vẫn mang đồ ăn cho tôi. Một người bảo vệ thậm chí đang gác ở bên ngoài hành lang”, Voracova nói.
“Người bảo vệ khá ổn. Anh ta chẳng phải lính gác nên chẳng hét vào mặt tôi khi tôi thò đầu ra khỏi cửa. Anh ta cố gắng giúp đỡ tôi. Nhưng cửa sổ ở đây thì luôn đóng chặt. Tôi thậm chí còn chẳng thể hé cửa sổ ra khoảng 5 centimet. Nhân viên bảo vệ ở khắp nơi, ngay cả dưới cửa sổ. Điều này khá thú vị với tôi. Có lẽ họ nghĩ tôi sẽ cố mở cửa sổ, nhảy ra ngoài và chạy trốn hay sao? Tôi cũng không biết nữa”.
“Tôi không thấy các CĐV bảo vệ Djokovic tập trung ngoài khách sạn. Phòng tôi cũng chẳng có cửa sở hướng ra đường chính. Tôi không thể thấy họ, nhưng nghe được tiếng ồn do họ tạo ra. Hôm nay trời mưa, một khi họ dừng lại, họ sẽ đi. Nhưng họ chưa đi, họ đang hát hò cầu nguyện - tôi thậm chí còn nghe có ai la lên tên của tôi. Cả đám đông. Nhưng có lẽ họ sẽ thay ca? Thật tuyệt vời khi Djokovic có sự ủng hộ như vậy từ các CĐV.
“Tôi muốn Djokovic thành công vào thứ Hai tuần tới, nêu không, tôi sẽ kết thúc cũng như anh ấy. Nhưng tôi không nghĩ mình đơn độc. Nhiều trường hợp miễn trừ y tế đã được thông qua. Tôi cũng muốn họ để cho anh ấy thi đấu. Chúng tôi là VĐV, chúng tôi là các tay vợt, chúng tôi chỉ đến đây để thi đấu và không giải quyết các tranh chấp cục bộ ở đây. Chúng tôi đã đọc luật, đáp ứng các điều kiện và nhận được quyền miễn trừ sau một quá trình xem xét kéo dài. Vì vậy, tôi không hiểu sao chúng tôi lại đang phải ngồi trong khách sạn”.