“Tiêu chuẩn kép” vì các tay vợt nổi tiếng
Hôm qua, thứ Bảy 28-8, BTC US Open 2021 đã đưa ra một thông báo gây tranh cãi, trong đó yêu cầu các khán giả, từ 12 tuổi trở lên, nếu muốn đến Trung tâm Quần vợt quốc gia USTA Bille Jean King xem thi đấu, buộc phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng chống Covid-19. Thậm chí, chính sách bán vé mới nhất của US Open còn quy định rõ là, người muốn mua vé phải trưng ra bằng chứng đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19
Hành động của BTC, của USTA (Liên đoàn quần vợt Mỹ) được đánh giá là "hợp lý" trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp, trên toàn cầu nói chung và ở nước Mỹ nói riêng; nhất là khi Văn phòng Thị trưởng thành phố New York gửi văn bản yêu cầu USTA phải kiểm tra bằng chứng về việc tiêm phòng Covid-19 đối với những CĐV muốn vào bên trong SVĐ Athur Ashe hoặc các sân đấu khác ở Khu Flushing Meadows.
Tuy vậy, khi mà BTC không có chế tài cụ thể với những tay vợt nói “Không” với vaccine phòng dịch, biện pháp của họ không thoát khỏi định nghĩa “tiêu chuẩn kép” đầy tai tiếng. Nghĩa là chỉ áp dụng với khán giả, CĐV, những người… không nổi tiếng và không thể áp dụng với những tay vợt nổi tiếng vốn là “người mang đến lợi nhuận cho giải đấu”. Ở đây có thể thấy rõ các trường hợp của Djokovic và Tsitsipas.
Từ rất lâu rồi, 2 tay vợt hàng đầu thế giới đến từ châu Âu đều nêu rõ quan điểm: “Tiêm vaccine Covid-19 là sự lựa chọn của cá nhân” và họ không bắt buộc phải làm như vậy nếu không muốn. Djokovic từng tuyên bố sẽ không tiêm chích bất cứ thứ gì ngay cả trước khi anh mắc Covid-19 sau một Tour đấu tại quê nhà hồi năm ngoái (khiến hàng loạt tay vợt nổi tiếng khác cũng bị lây - nhiễm bệnh). Còn mới đây, ngôi sao quần vợt người Hy Lạp nói rằng, anh sẽ chỉ tiêm vaccine trong trường hợp BTC giải buộc anh phải làm.
Với những tay vợt nổi tiếng, có lẽ họ nên nhìn vào tấm gương của Gilles Simon để suy nghĩ. Tay vợt hàng đầu nước Pháp một thời, là một người kiên quyết lựa chọn không tiêm vaccine trong bất kỳ trường hợp nào, vì anh này tuyên bố: “Không sợ virus Covid-19”. Tuy vậy, anh vừa phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với… HLV của anh, do ông này bị xác định là mắc Covid-19. Dù mẫu xét nghiệm của Simon vẫn cho ra kết quả “âm tính”, anh buộc phải cách ly theo quy trình phòng chống dịch, và sẽ ở một mình trong khách sạn suốt 10 ngày sắp tới.
Với tâm lý của Simon, đây là một đòn giáng mạnh mẽ. Buộc phải cách ly, anh sẽ bỏ lỡ US Open năm nay, giải đấu mà anh từng miêu tả là: “Kỳ US Open cuối cùng của tôi”. Simon từng chia sẻ với phóng viên Quentin Moynet của tờ L’Equipe: “Đây có lẽ đã là kỳ US Open cuối cùng của tôi. Trái tim tôi, từ lâu không còn đặt nặng vào chuyện di chuyển và thi đấu dưới những điều kiện như thế này. Tôi phải nghỉ ngơi để dưỡng lại tinh thần…”.
Ở phía ngược lại, Andy Murray “dù hết thời” vẫn là tay vợt dẫn đầu của phong trào “tiêm phòng vaccine trong các tay vợt”. Ngôi sao hàng đầu của làng quần vợt Anh quốc, dù sẽ không bao giờ tìm lại trạng thái “đỉnh phong” như khi anh thắng 3 danh hiệu Grand Slam và 2 HCV Olympic đơn nam trong giai đoạn từ 2012-2016 cho biết: “Cuối cùng, tôi đoán ra lý do tại sao tất cả chúng ta đều phải đi tiêm chủng. Là để quan tâm đến công chúng rộng rãi hơn”.
“Chúng ta có trách nhiệm phải làm như vậy, trong tư cách là những tay vợt đi thi đấu ở khắp nơi trên thế giới, tiếp xúc và tìm kiếm rất nhiều người khác nhau. Tôi hạnh phúc vì bản thân mình đã tiêm phòng vaccine. Tôi đang rất hy vọng sẽ có thêm nhiều tay vợt lựa chọn tiêm ngừa phòng chống Covid-19 trong những tháng sắp tới”, Murray cho biết.
Rạng sáng 31-8, Andy Murray và Stefanos Tsitsipas sẽ có cuộc đối đầu khá thú vị ở vòng 1 giải đơn nam US Open 2021. Tay vợt dẫn đầu phong trào tiêm vaccine sẽ đấu với tay vợt tiêu biểu "giữ quan điểm không tiêm vaccine vì lựa chọn cá nhân" sẽ đối đầu nhau như thế nào đây? Murray đánh giá về cuộc đối đầu "hấp dẫn nhất vòng 1", hơn cả "đại chiến giữa Andrey Rublev và Vua giao bóng Ivo Karlovic": "Trận đấu này sẽ không dễ dàng vì nhánh thăm đã không dễ dàng. Nhưng đây là chuyện sẽ xảy ra nếu bạn không được xếp hạt giống. Dù sao, đây vẫn là một bài kiểm tra tốt để xem năng lực của tôi đang ở đâu và tôi đã tiến bộ ra sao khi đến Mỹ". |