Thiếu nhiều đề cử sáng giá

Thể thao Việt Nam kết thúc Đại hội thể thao toàn quốc cũng đồng nghĩa khép lại các giải đấu quan trọng nhất và bây giờ là thời điểm bước vào các cuộc bầu chọn.
Hoàng Nguyên Thanh vắng mặt ở đề cử là một bất ngờ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hoàng Nguyên Thanh vắng mặt ở đề cử là một bất ngờ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Qua tìm hiểu của phóng viên SGGP, nếu không có gì thay đổi thì cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2022 chuẩn bị diễn ra trước khi tháng 12 năm nay khép lại.

Ai sẽ là những cái tên được đưa vào danh sách để nhận phiếu bầu từ những nhà chuyên môn và giới truyền thông? Danh sách đề cử phụ thuộc nhiều từ bộ môn (Tổng cục TDTT) và các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao các môn đưa ra.

Hai giải đấu gồm SEA Games 31 và Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 là những mốc quan trọng từ đó nhà quản lý và các bộ môn đưa ra danh sách HLV, VĐV phù hợp nhất dựa trên thành tích chuyên môn họ đạt được để đề cử bầu chọn. Lúc này, 17 tuyển thủ của nhóm các môn thuộc Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) đề cử đã được đưa ra. Có thể kể tới trong đó gồm Nguyễn Thị Tâm (boxing), Trần Ngọc Thúy Vi (aerobic), Lê Hoàng Phong (aerobic), Nguyễn Đoàn Minh Trường (khiêu vũ thể thao), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Phùng Thị Huệ (jujitsu), Dương Thúy Vi (wushu), Đinh Phương Thành (TDDC), Nguyễn Thị Bích Ngọc (kurash), Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo), Phạm Tiến Sản (triathlon), Nguyễn Trần Duy Nhất (muay), Vũ Văn Kiên (pencak silat), Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Lương Đức Phước (cùng điền kinh), Hà Minh Thành (bắn súng).

Trong số này, một chút bất ngờ khi vắng các đề cử VĐV của đấu kiếm, karate, taekwondo, vật dù trong giai đoạn thi đấu SEA Games 31 thì tuyển thủ quốc gia các đội tuyển thể thao này giành nhiều HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. VĐV vật giành 17/18 HCV tại SEA Games 31, giành 18 HCV vô địch Đông Nam Á 2022... là môn thuộc nhóm võ thuật có thành tích HCV tốt nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 nhưng lại không đưa ra bất cứ gương mặt nào vào danh sách đề cử bầu chọn (?).

Tiêu chí nào để đưa VĐV vào danh sách đề cử vẫn là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Trên hết, kết quả thi đấu chuyên môn trong nước và quốc tế phải nổi bật đồng thời VĐV có đạo đức kỷ luật tốt chính là những yếu tố được đề ra cho việc đề cử. Thể thao Việt Nam đã có 205 tấm HCV tại SEA Games 31 cùng nhiều kỷ lục quốc gia, kỷ lục Đại hội từ Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 (riêng các môn thể thao của Vụ thể thao thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT đạt 6 kỷ lục quốc gia, 14 kỷ lục Đại hội với điền kinh; 5 kỷ lục Đại hội với bắn cung; 4 kỷ lục quốc gia, 15 kỷ lục đại hội với bắn súng; 7 kỷ lục quốc gia, 9 kỷ lục Đại hội với triathlon). Hẳn nhiên, số VĐV tiêu biểu của riêng Vụ thể thao thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT cần phải nhiều hơn con số đề cử 17 người kia.

Điền kinh là môn thể thao quan trọng nhất và với 22 tấm HCV SEA Games 31, lẽ ra chúng ta có thể có nhiều hơn các đề cử. Tuy vậy, sự vụ 5 trường hợp dính nghi án chất cấm (doping) là vết gợn để môn thể thao này đã bị ảnh hưởng đáng kể. Thêm một thực tế, không ít trường hợp VĐV có thành tích HCV SEA Games 31 nhưng thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 lại không giành được ngôi vị số 1 nên dựa trên thẩm định chuyên môn mà nhà quản lý đưa ra các gương mặt đề cử gồm Oanh, Phước, Huyền. Đáng tiếc, một trong những VĐV được nhiều người hâm mộ cả nước biết tới là Hoàng Nguyên Thanh (marathon) lại vắng mặt đề cử dù nam tuyển thủ này đi vào lịch sử là VĐV nam Việt Nam đầu tiên giành HCV tại một kỳ SEA Games ở nội dung marathon khắc nghiệt cũng như đã có HCV Đại hội thể thao toàn quốc vừa qua. Vắng Hoàng Nguyên Thanh trong đề cử là một dấu hỏi cho người làm chuyên môn (?).

Ngoài các nhóm môn trên, danh sách đề cử vẫn còn các VĐV của các môn thuộc Vụ thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) quản lý với nhiều môn thể thao có sự quan tâm người hâm mộ như bơi, bóng đá, cầu lông, quần vợt, golf, bóng bàn, bóng chuyền, billiards&snooker, đua thuyền...

Tin cùng chuyên mục