Thể thao Việt Nam tiếp tục tuyển chọn con người phù hợp nhất?

Vào lúc này, lãnh đạo ngành thể thao đang làm việc chi tiết với từng bộ môn (Tổng cục TDTT) từ đó hoàn thiện kế hoạch ở các môn với Đề án 223. Tất cả hy vọng, việc thực hiện có chiến lược và hiệu quả nhất về công tác tuyển chọn con người tài năng cho thể thao của chúng ta.
Thể thao Việt Nam bắt đầu chương trình tuyển chọn những nhân tố xuất sắc nhất cho các mục tiêu tương lai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thể thao Việt Nam bắt đầu chương trình tuyển chọn những nhân tố xuất sắc nhất cho các mục tiêu tương lai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Sau khi Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 khép lại (ngày 21-12), hiện lúc này, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã và đang làm việc cùng từng Hội đồng đánh giá cụ thể các môn thể thao thành tích cao theo Đề án 223.

Đề án 223 là Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035 đã được phê duyệt năm 2019. Đề án đưa ra với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao của thể thao Việt Nam để phấn đấu tới năm 2035, chúng ta tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện VĐV tài năng, đào tạo, bồi dưỡng HLV tài năng của các môn thể thao đã được xác định. Theo đó Đề án ghi cụ thể “tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 VĐV đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 HLV tài năng, trong đó có khoảng 60 HLV cao cấp. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao để tuyển chọn đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ; bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người...”.

Về thực hiện phương thức đào tạo, huấn luyện và tập huấn thì Đề án 223 hướng tới các chương trình tập huấn dài hạn trong nước và quốc tế. Trong đó, các VĐV sẽ nhắm tới cho những đấu trường là SEA Games, ASIAD, thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic.

Công việc đánh giá cụ thể từng môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam với Đề án 223 được làm việc khẩn trương. Dù vậy, chúng ta phải nhìn vào thực tế đó là yếu tố con người rất cần những mũi nhọn trọng điểm nhất. Sau SEA Games 31, dù thể thao Việt Nam giành được 205 tấm HCV và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á nhưng chính Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn phải nhìn nhận là trong số 205 thành tích HCV ấy vẫn rất khó tìm được tuyển thủ ra thi đấu ASIAD là chắc chắn giành HCV. Vì thế, thể thao Việt Nam chỉ phấn đấu khiêm tốn từ 3 tới 5 HCV tại ASIAD 19-2022. Chưa kể, một số môn đã bước vào chu kỳ vòng loại Olympic và chúng ta vẫn đang kỳ vọng có vé trực tiếp dự Olympic Paris (Pháp) 2024 chứ chưa thể chắc chắn về mục tiêu huy chương.

Cái khó nhất của thế thao chúng ta là nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Cùng với đó, sự đồng bộ ở các mặt song hành với chuyên môn thể thao chưa đầy đủ. Ngoài việc tìm được con người tài năng thì còn cần cơ sở vật chất tập luyện thi đấu tốt, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và có các chuyên gia chuyên sâu y sinh học và chuyên gia thể lực, chuyên gia tâm lý hỗ trợ. Nhà quản lý biết điều này nhưng muốn có sự đồng bộ cùng phát triển vẫn phải thực hiện dần dần.

VĐV trẻ có triển vọng chuyên môn là người phù hợp để đào tạo, tuyển chọn và đầu tư. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

VĐV trẻ có triển vọng chuyên môn là người phù hợp để đào tạo, tuyển chọn và đầu tư. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chỉ đơn cử môn bơi tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 là môn trọng điểm nhất và được thi đấu tại Cung thể thao nước nước Quốc gia (Mỹ Đình) thế nhưng VĐV chỉ được sử dụng 1 hồ bơi trong khi hồ bơi còn lại dành cho thả lỏng không thể mở vì không có chi phí trả tiền gas làm nước nóng. Rồi sự cố 5 trường hợp tuyển thủ điền kinh dính chất cấm (doping) ở SEA Games 31 cũng có thể xem xét ở công tác y tế và dinh dưỡng do chúng ta còn thiếu chuyên gia đi cùng các VĐV.

Hiện tại, ngành thế thao còn xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ở mỗi Đề án có những mục tiêu cụ thể khác nhau. Trên hết, các chương trình muốn hiệu quả phải thực hiện đúng trọng tâm và có được nguồn lực đầy đủ từ kinh phí tới con người. Trong vấn đề này, việc kêu gọi thêm nguồn xã hội hóa là phù hợp trong sự phát triển của thể thao hiện đại.

Tin cùng chuyên mục