Nhiều tay vợt đã lên tiếng chỉ trích Thiem, trong đó có cả “Gã trai ngổ ngáo” Nick Kyrgios. Nhiều tay vợt “thấp cổ bé họng” lựa chọn cách biểu đạt phải tự lực cánh sinh, hướng đến tương lai lạc quan chứ không muốn đưa ra quan điểm gây tranh cãi với một tay vợt “nhiều quyền lực” như là Đương kim Á quân Australian Open. Tuy vậy, khác với mọi người, tay vợt trẻ người Algeria - cô Ines Ibbou (hiện xếp hạng 620 thế giới), đã gửi một tâm thư bằng video khá dài cho Thiem.
Ibbou đã khởi đầu “tâm thư” bằng video dài đến 9 phút, đăng tải trên mạng xã hội Instagram, bằng câu nói: “Dominic thân mến! Sự nghiệp của anh sẽ ra sao, nếu ở trong vị thế của tôi”. Khác hoàn toàn với Ibbou, Thiem được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về quần vợt, và được đào tạo một cách bài bản ở những nơi có cơ sở vật chất hiện đại nhất. Cha anh là ông Wolfgang Thiem, làm thầy dạy ở Học viện quần vợt Gunter Bresnik (một HLV nổi tiếng người Áo). Ngay từ năm 9 tuổi, Thiem đã bái ông Bresnik làm “sư phụ”. Trái lại, Ibbou xuất thân trong một gia đình không liên quan đến quần vợt, trưởng thành từ một nền quần vợt kém phát triển ở châu Phi.
Vậy nên, những gì mà Ibbou đáp trả Thiem rất “sâu cay” và xúc động, nó khiến cho “đàn chị lão làng” Venus Williams cũng phải miêu tả, Ibbou là “người anh hùng của tôi”. Ibbou khởi đầu “tâm thư” video của mình bằng thông điệp: “Ít nhất, những từ cuối cùng mà anh nói, nghe rất đau đớn. Đó là lý do, tôi quyết định viết cho anh một lá thư mở này. Hy vọng, anh sẽ thay đổi quan điểm về tôi và nhiều người có cùng hoàn cảnh với tôi sau khi xem hết đoạn video này. Đừng hiểu sai ý tôi, tôi không trách cứ anh hoặc tình trạng hiện tại, bởi vì sau tất cả, quan trọng là các Liên đoàn quần vợt quốc qua, Liên đoàn quần vợt quốc tế nên nhìn lại gia đình quần vợt để hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, vì lợi ích của môn chơi này. Nhưng câu trả lời này sẽ mang lại ánh sáng cho các trường hợp của chúng tôi, và có lẽ, cũng bảo vệ toàn vẹn chúng ta. Giọng nói của chúng tôi cũng xứng đáng được nghe thấy. Cám ơn những người đã giúp tôi biến giận dữ thành ngôn từ, và ngôn từ trở thành hình ảnh này…”.
Ibbou đã trải lòng trong đoạn video “tâm thư”: “Anh có biết rằng, ở một đất nước như của tôi, không dễ để một người phụ nữ trở thành VĐV thể thao đỉnh cao hay không. Tôi lớn lên ở trong một gia đình rất bình thường với cha mẹ tôi chẳng liên quan gì đến quần vợt cả. Chúng tôi vốn không thể chọn nơi mình đã sinh ra. Nhưng tôi rất yêu cha mẹ mình, và hối tiếc vì việc theo đuổi quần vợt, phải di chuyển tham gia quá nhiều giải đấu, nghĩa là tôi còn quá ít thời gian để gặp cha mẹ mình”.
“Tôi ấp ủ đến cái ngày tôi có đủ điều kiện để mua một món quà tặng cho cha mẹ tôi”, tay vợt nữ quê ở El Biar, người mới chỉ kiếm được 27.825 USD tiền thưởng trong suốt sự nghiệp non trẻ từ năm 2017 cho đến nay, chỉ vừa đủ để chi trả chi phí đi lại và ăn ở, tâm sự: “Tôi là một bà chủ cô đơn, di chuyển vòng quanh thế giới. Luôn tìm mua vé máy bay rẻ nhất, nghèo nàn về điều kiện, không có HLV, chưa từng tham gia giải chuyên nghiệp của WTA (đa phần cô chỉ đánh các giải kém đẳng cấp của ITF), cũng không hề có sự hướng dẫn làm sao để lên kế hoạch theo đuổi một sự nghiệp chuyên nghiệp một cách đúng đắn, chẳng có bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào. “Tiền tại trợ, anh nói ư?”. Nó không tồn tại ở Algeria”.
“Giúp đỡ những người khác, là giúp đỡ để cho quần vợt tồn tại. Chúng tôi không đòi hỏi bất kỳ thứ gì từ anh, ngoại trừ một chút tôn trọng”, Ibbou khép lại tâm thư của mình bằng giọng điệu đanh thép, đủ để Venus thốt lên: “Em là người hùng của tôi”, còn Kyrgios viết ngắn gọn: “Tôn trọng” và thể hiện ý định sẽ hỗ trợ cho cô phần nào.