ATP Finals: Đánh bại Thiem, Tsitsipas “thừa kế di sản” của McEnroe sau 41 năm

Ngược dòng đánh bại Dominic Thiem với điểm số 6-7 (6-8), 6-2, 7-6 (7-4), Stefanos Tsitsipas đã xuất sắc đăng quang ngôi vô địch ATP Finals ngay ở lần đầu tiên tham dự. Với kết quả này, anh trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất đăng quang ngay ở lần xuất hiện đầu tiên ở Giải Bát đại cao thủ, kể từ thời của huyền thoại người Mỹ John McEnroe hồi… 41 năm trước.

Tsitsipas đang săm soi chiếc cúp lớn nhất trong sự nghiệp của mình
Tsitsipas đang săm soi chiếc cúp lớn nhất trong sự nghiệp của mình

Ở giải đấu tổng kết cuối mùa hồi năm 1978, khi đó còn cái tên là Masters Grand Prix, diễn ra tại Khu tổ hợp thể thao - giải trí Madison Square Garden (ngày hôm nay đã trở thành một… “Thánh địa quyền Anh” của thế giới), McEnroe - năm đó vẫn chỉ là một gã trai non choẹt mới 19 tuổi, đã xuất sắc đang quang ngôi vô địch ngay ở lần đầu tiên tham dự, khi đánh bại “một huyền thoại quần vợt Mỹ khác” là Athur Ashe (người được lấy tên đặt cho Sân Trung tâm của Trung tâm Quần vợt Quốc gia Billie Jean King - Flushing Meadows, nơi tổ chức US Open hàng năm) với chiến thắng 6-7, 6-3, 7-5 trong trận đấu chung kết.

Rồi 41 năm sau, trong ngày hôm nay, “Chiến binh thành Athens” Tsitsipas đã trở thành tay vợt trẻ tuổi nhất vô địch giải đấu đã đổi tên thành ATP Finals ngay ở lần đầu tiên tham dự, chỉ sau McEnroe. Chẳng những “thừa kế di sản” của “tiền bối” McEnroe, Tsitsipas còn “thừa kế di sản” của một “tiền bối” khác, là Lleyton Hewitt, khi trở thành tay vợt trẻ nhất vô địch Giải Bát đại cao thủ kể từ thời của cựu tay vợt người Úc - hồi năm 2001.

“Trận đại chiến Next Gen”, hay theo như miêu tả của CNN, là “Cuộc chiến của 2 nghệ sĩ đánh trái tay 1 tay” đã diễn ra vô cùng gay cấn và đẹp mắt, để rồi cuối cùng, Tsitsipas đã giành chiến thắng với 34 cú đánh thắng điểm trực tiếp, chỉ phạm phải 16 lỗi đánh bóng hỏng, so với cũng 34 cú đánh thắng điểm trực tiếp của Thiem, nhưng lỗi đánh hỏng bóng lên đến… 40. Sự khác biệt này đả làm nên cục diện “thành - bại” cuối cùng.

“Tôi không có manh mối nào giải thích cho việc tại sao tôi chơi hay đến như vậy ở ván 2”, chàng trai quê ở Athens thành thật kể về cú ngược dòng ngoạn mục của mình, khởi nguồn từ… ván đấu thứ 2, “Tôi không biết luôn đó. Tôi nghĩ là, đó do tâm trí tôi đã được thoải mái và tôi không thật sự suy nghĩ về mọi thứ quá nhiều, như vậy đã dẫn đến màn trình diễn ấn tượng trong ván 2, thắng đối thủ 2 break-point. Tôi đã không cho anh ấy quá nhiều lựa chọn trong ván đấu này. Đó là một ván đấu quá xuất sắc của tôi”.

“Đám đông trên khán đài ủng hộ rất ấn tượng, có lực lượng quân đội như vậy đứng phía sau khi đang thi đấu trên sân là rất tự tin. Họ mang lại rất nhiều năng lượng. Họ mang lại cho tôi niềm tin rằng tôi có thể đạt được những thành tựu mà tôi muốn trên sân đấu. Họ mang lại động lực cho tôi. Đơn giản, họ cung cấp cho tôi quá nhiều năng lượng, và tôi yêu điều đó. Tôi muốn cảm ơn từng CĐV một, người người đã đến đây cổ vũ cho tôi dưới là cờ của Hy Lạp. Họ mang lại cảm giác, giống như tôi được chơi bóng trên sân nhà”, Tsitsipas nhận xét về các CĐV.

“Tôi nhớ lại, từng xem sự kiện này qua truyền hình. Và khi đó, tôi đã nghĩ rằng: “Ồ, những anh chàng này hẳn đã trải qua cả một năm điên rồ để có thể được chơi bóng ở đây. Còn giờ đây, tôi cũng ở đây, và thậm chí đã trở thành nhà vô địch giải đấu. Do vậy, cảm giác thật là quá đỗi tuyệt vời”, Tsitsipas tâm sự.

Năm 2019, chắc chắn sẽ là mùa giải đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chàng trai 21 tuổi người Hy Lạp. Anh đã giành 3 ngôi vô địch, ở Marseille, ở Estoril và giờ đây, ở London - danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp. Anh từng đánh bại Roger Federer ở Australian Open, rồi ở bán kết giải đấu này, cũng thắng cả Rafael Nadal ở Madrid Masters. Anh sẽ hoàn tất mùa giải năm nay ở vị trí hạng 6 thế giới…

Tin cùng chuyên mục