Cú “tấn công” ngoạn mục của Nguyễn Huy Hoàng vào đấu trường Asiad 2018 hay tấm HCV cùng hàng loạt kỷ lục mà kình ngư trẻ người Quảng Bình thiết lập nên tại Olympic trẻ 2018 đã chinh phục giới chuyên môn. Chàng thư sinh gầy gò vốn chưa được nhớ tên, quanh năm suốt tháng chỉ tập luyện trong nước, lại có thể tạo ra những cột mốc lịch sử cho bơi lội Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Điều đặc biệt hơn chính là việc Huy Hoàng thi đấu ở các cự ly 800m và 1.500m tự do nam vốn đòi hỏi rất nhiều sức lực, cũng có thể coi là cự ly gian truân nhất của môn bơi lội. Thế cho nên, khi chàng trai trẻ ấy vươn mình đứng dậy đầy khí chất tại Asiad 2018 (trở thành VĐV bơi lội Việt Nam đầu tiên giành HCB), giới làm nghề ở Việt Nam cũng đã thổn thức và dấy lên một niềm tin mãnh liệt về tương lai.
Huy Hoàng được gắn cho biệt danh “rái cá sông Gianh” hay thậm chí được báo chí châu Á ví như “mũi tên vàng” ở đường đua xanh sau khi suýt đánh bại nhà vô địch Olympic 2016 Sun Yang ở Asiad 2018. Nhưng, kình ngư mới 18 tuổi này chỉ cười hiền hậu: “Trong thâm tâm, em chỉ nghĩ rằng cứ tập luyện thật chăm chỉ, nỗ lực từng ngày, học hỏi thật nhiều kinh nghiệm từ các VĐV giỏi thì đến ngày nào đó em cũng sẽ thành công”.
Trước đây, bơi lội Việt Nam chỉ có Nguyễn Thị Ánh Viên để đặt kỳ vọng trong mỗi lần tìm đến những sự kiện bơi lội tầm châu Á và thế giới. Giờ, với bước tiến kỳ diệu của Huy Hoàng, đội tuyển quốc gia đã có thêm nhiều hơn một cơ hội chiến thắng, mà đích ngắm vẫn chính là chạm đến tấm huy chương đầu tiên ở đỉnh cao Olympic.
Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu
Phút chót, Ngô Sơn Đỉnh được điền tên dự Olympic trẻ 2018 ở Argentina, tức là suất thay thế cho VĐV của một số quốc gia bị cấm vì dính líu đến doping. Từ chỗ “đậu vớt”, chàng lực sĩ 17 tuổi người Tiền Giang đã thi đấu bùng nổ và chiếm lĩnh hoàn toàn hạng cân 56kg nam để đoạt tấm HCV đầy thuyết phục. Thậm chí, Sơn Đỉnh còn bỏ cách đối thủ Thái Lan đoạt HCB đến… 23kg.
Pha chạm đích ngoạn mục của Sơn Đỉnh tiếp tục giữ uy danh cho cử tạ Việt Nam ở đấu trường Olympic trẻ, đồng thời duy trì ưu thế cho các hạng cân nhẹ mà bấy lâu nay các đàn anh Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn đã thay nhau đứng ở tốp đầu châu Á và thế giới. Mạnh ở cả 2 động tác cử giật và cử đẩy, nên ngay cả khi Liên đoàn Cử tạ thế giới thay đổi hạng cân thi đấu thì tiềm năng thành tích của Ngô Sơn Đỉnh vẫn được đánh giá rất lớn. Sơn Đỉnh cùng Thạch Kim Tuấn sẽ hướng đến 2 tấm vé chính thức dự Olympic Tokyo 2020, nỗ lực giữ thế thượng phong cho cử tạ Việt Nam.
Suýt chút nữa thôi, cử tạ Việt Nam đã không có được VĐV tài năng như Ngô Sơn Đỉnh. Bởi nếu vị chuyên gia Trần Gia Toàn không kịp thời phát hiện và đào tạo, có lẽ giờ này chàng trai 17 tuổi ấy đã chọn làm ngư dân, lênh đênh trên biển đánh cá cùng cha để mưu sinh.
Phía trước là tương lai
Vượt qua kỷ niệm buồn Asiad 2018, VĐV Lê Tú Chinh đã trở lại rất cảm xúc ở Đại hội TDTT toàn quốc 2018, khi giành chiến thắng tuyệt đối trên các cự ly 100m và 200m nữ, đồng thời giúp tổ chạy tiếp sức TPHCM lấy thêm ngôi vô địch 4x100m nữ. Đặc biệt, ở cự ly 100m nữ, Tú Chinh đã xô ngã kỷ lục của đại hội và chạm đến cột mốc thời gian tốt nhất sự nghiệp là 11 giây 40, vượt qua mức cô từng giành HCV tại SEA Games 29 hồi năm ngoái (11 giây 56).
Nếu đơn thuần so sánh thành tích ở giải trong nước với 3 tấm HCV mà Tú Chinh sở hữu tại SEA Games 2017, thì không có gì đáng nói. Nhưng ở đây, trong bối cảnh VĐV của TPHCM đang rơi vào trạng thái tâm lý hụt hẫng ở Asiad 2018, sau đó là chuyện thay đổi quá nhiều chuyên gia trong quá trình tập huấn dài hạn ở Mỹ, thì việc lấy lại phong độ là đặc biệt quan trọng. Điều đó sẽ giúp Tú Chinh tự tin hơn khi trở lại xứ cờ hoa tiếp tục theo đuổi giấc mơ VĐV chuyên nghiệp của mình, đồng thời vững vàng ý chí cho cả chặng đường dài phấn đấu còn ở phía trước.
Bên cạnh Tú Chinh vẫn luôn có những người thầy đồng hành - HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, cùng Trưởng bộ môn điền kinh TPHCM Trịnh Đức Thanh và bao đồng nghiệp khác. Bản thân Tú Chinh cũng xác định rằng cô sẽ gặp không ít chông gai, khó khăn, nếu không vững tâm, giàu ý chí phấn đấu thì khó mà vươn đến thành công,