Thế hệ vàng của bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng

Một thời vang bóng

Bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã từng sản sinh ra một lứa cầu thủ tài năng vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Chính các cầu thủ thuộc “Thế hệ Vàng” ngày ấy đã tạo dựng nên một thời kỳ oai hùng cho bóng đá xứ Quảng.
Một thời vang bóng

Bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã từng sản sinh ra một lứa cầu thủ tài năng vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Chính các cầu thủ thuộc “Thế hệ Vàng” ngày ấy đã tạo dựng nên một thời kỳ oai hùng cho bóng đá xứ Quảng.

  • Có một thời như thế

Bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng (QN-ĐN) (cũ) vốn đã hình thành và phát triển từ lâu theo bước chân người Pháp. Thế nhưng, cũng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, môn thể thao vua mới thật sự phát triển ở mảnh đất này.

Sau ngày đất nước giải phóng, tỉnh QN-ĐN đã tập hợp lực lượng những cầu thủ từng chơi bóng trước năm 1975 như Phan Trọng Quang, Minh “đen”, Thành “ghe”, Trần Vũ, Thái Long, Nho Đức… để thành lập đội bóng. Dù chỉ mới được thành lập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng các cầu thủ QN-ĐN đã sớm khẳng định vị thế cho bóng đá xứ Quảng nhờ những thành tích rất ấn tượng. Ngay ở lần tổ chức đầu tiên năm 1976, QN-ĐN giành chức vô địch giải bóng đá Trường Sơn. Tuy nhiên, đến khi Việt Nam bắt đầu có giải VĐQG (năm 1980) thì bóng đá QN-ĐN đã bước vào giai đoạn thoái trào do thiếu lực lượng hậu bị.

Vũ Văn Tư thời làm HLV đội công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng.
Vũ Văn Tư thời làm HLV đội công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trước nhu cầu chính đáng của người hâm mộ, đầu năm 1986, lãnh đạo tỉnh quyết định tái lập đội bóng với tên gọi: Công nhân Quảng Nam-Đà Nẵng (CN QN-ĐN). Thành phần nòng cốt của đội là những cựu binh như Phan Văn Lợi, Trần Vũ và lứa cầu thủ năng khiếu đầu tiên của tỉnh do HLV Lê Đình Chính đào tạo. Cùng với đó, đội bóng được tăng cường thêm Phan Thanh Hùng (từ Cảng Đà Nẵng), Trần Minh Toàn (Xí nghiệp Ôtô Hội An), Lê Văn Sinh (huyện Đại Lộc). Tất cả đều vừa bước qua tuổi 19-20. Cũng trong năm 1986, đội đã giành chức vô địch giải A2 toàn quốc để giành quyền lên chơi ở giải VĐQG.

Sang năm 1987, HLV Vũ Văn Tư được mời về cầm quân đá giải VĐQG, mở ra một trang sử mới, đầy hiển hách cho bóng đá QN-ĐN. Cũng trong năm này, ở lần đầu tiên tham dự giải VĐQG, đội đã xuất sắc lọt vào trận chung kết và chỉ chịu thua CLB Quân đội của Quản Trọng Hùng, Nguyễn Xuân Lý… với tỷ số sít sao 0-1 trong trận chung kết trên sân Quy Nhơn. Ngoài ra, đội CN QN-ĐN còn 2 lần lọt vào chung kết nữa nhưng đều “chết trước cửa thiên đường”. Phải đến năm 1992, khi trận chung kết diễn ra trên sân nhà Chi Lăng, CN QN-ĐN mới lần đầu tiên được nâng cao chiếc cúp vô địch sau khi giành chiến thắng 2-0 Hải Quan. Chỉ 1 năm sau, các cầu thủ thế hệ vàng của bóng đá Quảng - Đà tiếp tục bước lên bục vinh quang thêm một lần nữa ở Cúp Quốc gia.

  • Đam mê còn mãi

Sau một thời gian phát triển rực rỡ, thế hệ vàng của bóng đá Quảng-Đà bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào. Mùa giải 1995, CN QN-ĐN sa sút rõ rệt, sau 12 trận, thầy trò HLV Thái Long chỉ thắng được 3 trận, trong khi lại để thua đến 9 trận và phải tham dự vòng chung kết ngược cùng Hải Quan, CLB Quân đội, Sông Bé, Bình Định và Long An để rồi bị rớt hạng.

Với việc rớt xuống giải hạng nhì, thời kỳ hoàng kim của CN QN-ĐN đã chính thức chấm dứt. Các cầu thủ trụ cột lần lượt ra đi, đội bóng đổi tên thành Đà Nẵng sau khi chia tách tỉnh (năm 1997). Cái tên CN QN-ĐN, niềm tự hào của người hâm mộ bóng đá đất Quảng đã trở thành hoài niệm. Lứa cầu thủ thuộc thế hệ vàng, vì thế phiêu bạt thi đấu cho các đội bóng khác một vài năm nữa rồi cũng giải nghệ.

Đội công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng giành Cúp Quốc gia 1993. Ảnh: NG.T.

Đội công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng giành Cúp Quốc gia 1993. Ảnh: NG.T.

Chia tay sự nghiệp cầu thủ, hầu hết những gương mặt xuất sắc thuộc thế hệ bóng đá QN-ĐN ngày ấy đều chuyển sang làm công tác huấn luyện. Ngoài Hoài Linh, Hữu Cầu đã định cư ở nước ngoài và Phan Thanh Hùng đang được biệt phái làm HLV trưởng của Hà Nội T&T, những người đồng đội còn lại đa phần vẫn gắn bó với bóng đá quê hương. Phan Công Thìn giờ nắm đội U17, Bùi Thông Tuân nắm đội U21, Bùi Thông Tân làm U11, Trương Văn Lợi giờ là HLV thủ môn ở đội hình chính SHB Đà Nẵng, Trần Minh Toàn là Phó GĐ CLB…

Dù đã trải qua không ít thăng trầm và ở bất cứ cương vị nào, tâm nguyện của họ cũng đều muốn chung tay đào tạo nên một lứa cầu thủ thế hệ vàng như mình ngày xưa để đưa bóng đá quê hương trở lại thời hoàng kim. Niềm ao ước ấy đã trở thành hiện thực khi SHB Đà Nẵng giành chức VĐQG ở mùa giải 2009 mà trong đội hình, đa số cầu thủ đều là học trò của các anh

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục