LTS: Chiến thắng 4-0 trước đội tuyển U.23 Thái Lan là một chỉ dấu đặc biệt về việc bóng đá Việt Nam đã vượt qua cái bóng của người Thái trên mọi phương diện. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt ra câu hỏi: Vượt qua nhưng được bao xa để không bị bắt kịp quá nhanh? Hay nói đúng hơn, bóng đá Việt Nam đã đi được bao xa trong quãng thời gian qua để vượt qua Thái, cũng như tiến đến một đẳng cấp khác mà không cần quan tâm nhiều đến những cuộc cạnh tranh khu vực.
Đuổi theo cái bóng
Những con số biết nói: Tính từ trận chung kết SEA Games 1995, Việt Nam chỉ thắng Thái Lan đúng 2 trận. Đầu tiên là chiến thắng 3-0 bán kết Tiger Cup 1998 ở sân Hàng Đẫy và trận thắng 2-1 chung kết lượt đi AFF Cup 2008 ở Bangkok. Đó là ở các giải chính thức, nhưng ngay các trận mang tính chất giao hữu, số trận thắng cũng không quá 5 lần ở cấp độ U.23 và ĐTQG.
Trong khi đó, gần như mặc nhiên khi gặp Việt Nam ở những giải chính thức thì phần thắng đều nghiêng về người Thái. Cấp độ đội tuyển, chẳng ai quên được những thất bại cay đắng ở bán kết Tiger Cup 1996, chung kết SEA Games 1999, bán kết Tiger Cup 2002, AFF Cup 2006… Với U.23 là chung kết SEA Games 2003, 2005, các trận vòng bảng SEA Games 2013, 2017… Cứ như thế, gặp Thái Lan coi như nắm chắc phần thua, bất kể những thời điểm mà bóng đá Việt Nam rất mạnh.
Một vài trận thì xem là “dớp”, hoặc xui rủi nhưng 24 năm mà chỉ thắng được 2 lần thì là câu chuyện khác. Từ chỗ khao khát thắng Thái Lan, chuyển dần thành nỗi sợ, chưa đá đã mang cảm giác thua và vào trận với tâm lý căng cứng. Thực tế cho thấy, số trận thắng của Việt Nam trước đội bóng mạnh khác của châu Á thậm chí còn nhiều hơn số lần thắng Thái Lan.
Cho đến khi U.22 Việt Nam thua Thái Lan 0-3 ở vòng bảng SEA Games 2017 với một thế hệ tài năng như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường… nhiều người đã phải tuyệt vọng và cho rằng không bao giờ còn thắng Thái Lan được nữa.
Hơn cả một chiến thắng
Nhà cầm quân Park Hang-seo chỉ mới 2 lần đối đầu với các đội bóng Thái Lan và thắng luôn 2 trận. Lần đầu ngay trên đất Thái, ở giải M-150 trong quá trình chuẩn bị cho Vòng chung kết giải U.23 châu Á năm 2018 và lần này tại sân Mỹ Đình.
Tại trận chung kết của giải U.19 Đông Nam Á 2015 tổ chức ở Lào, Thái Lan đã thắng đậm Việt Nam với tỷ số 6-0, thất bại nặng nề nhất lịch sử đối đầu của 2 nền bóng đá. Hà Đức Chinh, Nguyễn Quang Hải, Hồ Tấn Tài là những người có mặt trong trận thua đó. Một năm sau, cả Thái Lan lẫn
Việt Nam đều dự VCK U.19 châu Á, nhưng U.19 Việt Nam là đội giành vé dự World Cup U.20. Từ đó đến nay, nếu dàn cầu thủ U.19 Thái Lan ngày đó hiện chỉ còn lại 4 người trong trận thua trên sân Mỹ Đình hôm 26-3 thì phía Việt Nam, con số này là 11. Nếu phía Thái Lan chỉ có mỗi tiền đạo Supachai từng khoác áo tuyển quốc gia thì phía Việt Nam, lứa U.19 ngày đó chiếm đến 50% đội tuyển. Con số này đã chứng minh sự hơn hẳn về yếu tố con người.
Cuối cùng là bản lĩnh thi đấu. Nhìn cách cầu thủ U.23 Việt Nam vui mừng sau mỗi bàn thắng, đã cho chúng ta thấy sự tự tin cao độ của họ trước cuộc đối đầu với Thái Lan. Trận đấu hôm 26-3, U.23 Việt Nam gặp bất lợi về hoàn cảnh. Chúng ta chịu áp lực phải thắng mới đi tiếp, lại vừa trải qua trận đấu thất vọng với Indonesia trong khi đối phương khá thoải mái về tâm lý. Những lần như thế này trong các cuộc gặp gỡ trước đây, Việt Nam thường dễ tổn thương. Còn lần này hoàn toàn khác hẳn.
Hơn về chiến thuật, con người và bản lĩnh, U.23 Việt Nam đã có chiến thắng toàn diện. Đây không chỉ là chiến thắng trong một trận đấu mà là sự khẳng định vị thế số 1 của bóng đá Việt Nam ở làng cầu Đông Nam Á, cũng như đẳng cấp mà chúng ta đã nỗ lực xác lập trong suốt hơn 1 năm qua.