Những trận đấu dài theo kiểu “marathon”, luôn mang đến những khoảnh khắc kịch tính mãn nhãn cho đông đảo khán giả theo dõi, và nhiều loại kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” cho các tay vợt tham gia, dù cũng chính là nỗi ám ảnh của chính họ. Đa phần các tay vợt bị bòn rút thể lực sau các trận đấu “marathon dài 5 ván”, giống như là “cái xác khô”, dễ dàng dâng tặng chiến thắng cho đối thủ ở vòng đấu tiếp theo. Đó là lý do, loạt tie-break đã được các BTC Grand Slam đưa vào áp dụng ở ván đấu thứ 5 quyết định, ngoại trừ ở Roland Garros. Nhưng với Rublev, người vừa được hưởng lợi, cũng gặp nhiều bất lợi sau trận ngược dòng thắng Querrey, nếu thay đổi, hãy làm như Wimbledon, hoặc giữ nguyên thể thức.
Rublev, sau khi đánh bại Querrey với trận thắng 5 ván vốn chỉ diễn ra cách ngôi vô địch German Open đúng 2 ngày, và cũng sau khi chứng kiến Lorenzo Giustino loại Conrentin Moutet với điểm số 0-6, 7-6 (9-7), 7-6 (7-3), 2-6 và 18-16, lên tiếng: “Tất cả thể thức trận đấu ở các kỳ giải Grand Slam nên là giống nhau, tất cả, theo quan điểm của tôi. Tôi muốn nói rằng, thể thức thi đấu ở đây vẫn là sự lựa chọn tốt nhất, hoặc ít ra cũng giống với thể thức đang được áp dụng ở hệ giải Wimbledon, khi các tay vợt bước vào loạt đánh tie-break sau khi hòa điểm ở cột mốc 12-12. Bởi vì cuối cùng thì, họ vẫn cống hiến cho các bạn thêm 1 ván đấu nữa và nếu vẫn chưa đủ tìm ra được nhà vô địch, khi đó họ sẽ đấu tie-break”.
Hiện tại, Roland Garros là Grand Slam duy nhất chưa áp dụng loạt tie-break vào ván quyết định. Để phân thắng bại, nếu điểm số vượt quá con số 5 (5 game thắng mỗi bên ở ván 5), các tay vợt phân thắng thua với khoảng cách 2 game cho đến khi kết quả chỉ ra người thắng cuộc. Trong khi đó, ở Wimbledon, tie-break sẽ được khởi động ngay sau khi 2 tay vợt hòa nhau 12-12 (ở trận chung kết Wimbledon 2019, Novak Djokovic đã đánh bại Roger Federer với điểm số 7-6 (7-5), 1-6, 7-6 (7-4), 4-6 và 13-12 (7-3), trở thành tay vợt đầu tiên đăng quang Grand Slam sau loạt tie-break ở chung kết). Ở US Open, tie-break cũng sẽ được áp dụng khi điểm số là 6-6 và ở Australian Open, đó sẽ là loạt tie-break đánh đến 10 điểm.
Theo nhiều người, các trận đấu đơn nam ở hệ giải Grand Slam nên được rút ngắn, bằng cách áp dụng các loạt tie-break một cách triệt để thích nghi với lịch thi đấu dày đặc hiện đại. Tuy vậy, với riêng bản thân Rublev, việc đấu những trận đấu dài hơi, những trận đấu được mệnh danh là “kiểu marathon” sẽ mang lại cho anh nhiều động lực và hứng khởi hơn: “Quan điểm của tôi là, họ không nên áp dụng loạt tie-break ở ván 5 quyết định, vì đó là những kiểu trận đấu bạn sẽ nhớ đến trong một thời gian dài. Đó chính là thứ mà bạn sẽ nghĩ: “Giờ đây tôi hiểu tại sao tôi phải làm việc, tập luyện cật lực. Tôi hiểu tại sao tôi phải trải qua tất cả những bài tập khắc nghiệt này”. Bạn sẽ tự hào hơn về riêng bản thân mình”.
Trở lại với trận thắng ngược dòng trước Querrey, không chỉ bị dẫn trước 0-3, ở trong ván đấu thứ 3, Rublev còn bị dẫn 3-5 trước khi thắng break-point bản lề ở game đấu thứ 9, để rút ngắn điểm số xuống còn 4-5. Trước đó, ở trong trận chung kết của giải German Open (hay còn gọi là Hamburg European Open), Rublev cũng ngược dòng đánh bại Stefanos Tsitsipas sau khi bị dẫn 3-5 trong ván đấu thứ 3 - nhưng lại là ván quyết định. Anh thừa nhận sau chiến thắng kịch tính mới nhất: “Tôi vẫn còn cả một quãng đường dài để tiếp tục cải thiện bản thân, ngay cả cho dù tôi vừa giành chiến thắng. Điệu độ hôm nay của tôi thật khủng khiếp. Nếu tôi muốn cải thiện và thi đấu ở đẳng cấp cao hơn, điều này không thể chấp nhận”.
Trong một kết quả rất đáng chú ý, Novak Djokovic khởi động chiến dịch săn Grand Slam thứ 18 bằng chiến thắng thoải mái trước Mikael Ymer với điểm số 6-0, 6-2, 6-3, trên sân Trung tâm mới Philippe-Chatrier. Với kết quả này, “Nhà Vua ATP” đang sở hữu thành tích thắng 32/33 trận đấu trong mùa này. Trận thua duy nhất, không phải do bị đối thủ đánh bại, mà anh “tự thua bản thân mình”, vẫn là kết quả bị BTC giải US Open truất quyền thi đấu. Nhưng khi Djokovic đã sẵn sàng làm lại từ đầu với loạt trẫn thắng liên tiếp tươi mới của mình, anh sẽ là thách thức cho “đầu bên kia của nhánh đấu”, dù đó là bất kỳ ai, “Hoàng tử sân đất nện “Dominic Thiem hay thậm chí chính là “Vua sân đất nện” Rafael Nadal.