Sau khi giành quyền kiểm soát 2 ván đấu đầu tiên trước Alexei Popyrin (Australia) với điểm số 6-3 và 6-2, “Vua sân đất nện” đã chững lại trong ván đấu thứ 3, khi đối thủ người Úc gốc Nga phản kích rất quyết liệt. Nadal để thua break-point ở game thứ 6 và bị đối thủ gia tăng cách biệt lên thành 4-2. Ở game đấu thứ 9, Popyrin có cơ hội rút ngắn tỷ số trận đấu xuống còn 1-2 khi dẫn điểm 5-3 và còn được quyền cầm giao bóng để khép lại ván đấu.
Tay vợt quê ở Sydney liên tục có 2 cơ hội thắng set-point (dẫn 40-30 rồi dẫn lợi thế giao bóng), tuy vậy, Nadal đã thể hiện bản lĩnh kiên cường khi cứu cả 2 nguy cơ này trước khi thắng ngược break-point và rút ngắn điểm số của ván 3 xuống còn 4-5. Nadal, sau đó, đã gỡ hòa 5-5 khi cầm giao bóng ở game thứ 10. Hai tay vợt giằng co đến điểm số 6-6, buộc phải chuyển sang đánh tie-break. Ở đây, Nadal thể hiện đẳng cấp vượt trội, liên tục giành điểm khi Popyrin cầm giao bóng để dẫn 3-1 và 4-1. Anh, sau đó, đã duy trì cách biệt điểm số đáng kể của mình, tận dụng cơ hội thắng match-point thứ 3, và kết liễu loạt tie-break với mức điểm 7-3.
Trong buổi họp báo sau trận đấu, Nadal thừa nhận sự khó khăn của mình trong ván đấu thứ 3, khi đối thủ sinh năm 1999 nỗ lực thắng ít nhất 1 ván đấu: “Chúng tôi đang chơi theo thể thức 5 ván thắng 3. Đối thủ cần thắng thêm 2 ván nữa để đánh bại bạn, và bạn biết bạn sẽ chiến đấu cho từng điểm số. Đương nhiên, tôi chẳng muốn để thua ván đấu này, nhưng đó là một phần của quần vợt. Bạn đối mặt với một tay vợt quyết tâm đeo theo từng pha bóng, vì thế, bạn gặp phải rắc rối. Nếu cậu ấy thành công như cậu ấy đã làm với những cú giao bóng, rất khó để bẻ cú giao bóng của cậu ấy. Sau đó, bạn ở trong tình thế rất trúc trắc”.
Nadal dành thêm thời gian để tán dương “bại tướng mới nhất” của anh: “Với cú giao bóng thế này, với những cú đánh kiểu như vậy từ đường baseline, Popyein có tất cả mọi thứ để trở thành một tay vợt hàng đầu. Nếu như cậu ấy muốn làm như vậy, đương nhiên cậu ấy sẽ có được cơ hội của mình, vì lối chơi của cậu ấy có rất nhiều thứ gây khó. Cậu ấy có tất cả mọi thứ để trở thành một tay vợt vĩ đại, không, là một tay vợt tuyệt vời. Hãy chờ xem. Chúng ta hãy cùng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra trong vài tháng, vài năm nữa mà thôi!”.
Djokovic, người “theo cơ cấu” sẽ đấu với Nadal ở bán kết, cũng thắng sau 3 ván, nhưng suôn sẻ hơn rất nhiều. Trong suốt 1 giờ 58 phút trình diễn trước mặt Tennys Sandgren (Mỹ), “Nhà Vua ATP” đối mặt với 6 nguy cơ thua break-point nhưng anh đã cứu cả 6 nguy cơ, không mất break-point nào. Anh tung ra 33 cú winner, trong đó có 4 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp và tận dụng 5/11 cơ hội thắng break-point để hạ đối thủ với điểm số chung cuộc là 6-2, 6-4 và 6-2. Đó là một màn trình diễn cực kỳ ấn tượng, rất thuyết phục...