Roland Garros dời lịch vì... 10 triệu EUR

Ban tổ chức giải Roland Garros 2021, sự kiện Grand Slam trên mặt sân đất nện tại Paris, vừa tuyên bố dời lịch thi đấu năm nay với ngày khai mạc ban đầu là 23-5, sang ngày 30-5. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, ban tổ chức (BTC) giải đấu còn có tên là French Open “đơn phương” dời lịch thi đấu vì lợi ích của chính mình. Tuy vậy, Liên đoàn Quần vợt Pháp có cái lý của họ.

Ở mùa giải năm ngoái, BTC Roland Garros đã gây sốc khi dời lịch thi đấu ban đầu từ giữa tháng 5 lên đến tận… tháng 9-2020 để phản ứng cấp kỳ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quyết định của họ ở vào thời điểm đó, bị ATP, WTA và nhiều BTC giải đấu khác phản ứng dữ dội. Người ta cho rằng, BTC Roland Garros chỉ quan tâm đến chính bản thân mình khi đưa ra quyết định trên, và rằng việc dời lịch đấu từ tháng 5 sang tháng 9 đã ảnh hưởng sự sinh tồn của nhiều giải đấu khác diễn ra ở cùng thời điểm (cụ thể là US Open). Tuy vậy, Roland Garros 2020 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch của Liên đoàn Quần vợt Pháp và cuối cùng, giải đã kết thúc đầy suôn sẻ khi tìm ra 2 nhà vô địch đơn nam - đơn nữ đầy xứng đáng là Rafael Nadal (Tây Ban Nha) và Iga Swiatek (Ba Lan).

Năm nay, việc Roland Garros dời muộn hơn 1 tuần có ý nghĩa như thế nào? Thực chất, BTC giải Pháp mở rộng đã phản ứng để thích nghi với quy định cách ly của các nhà chức trách Pháp. Cụ thể, vào đầu tháng 4 này, đợt cách ly xã hội thứ 3 trên toàn nước Pháp sẽ được kích hoạt và theo kế hoạch, đợt cách ly này sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Như vậy, việc BTC Roland Garros dời giải đấu đến cuối tháng 5 đầu thàng 6 có nghĩa là, khi đó, họ sẽ được mở cửa để đón khán giả vào sân xem các tay vợt tranh tài.

Theo như L’Equipe, đây là một quyết định - phản ứng rất thông minh của BTC Roland Garros, dù vẫn sẽ có một số người phản đối (tay vợt nữ người Pháp Alize Cornet mạnh mẽ chỉ trích: “Đây là một quyết định đầy ích kỷ vì các lịch thi đấu khác sẽ chịu ảnh hưởng lớn”, một trong số đó sẽ là Wimbledon - Grand Slam trên mặt sân cỏ, chỉ diễn ra 2 tuần sau khi Roland Garros kết thúc), vì BTC giải đấu sẽ có cơ hội mở cửa bán vé để dễ dàng chào đón khán giả đến sân, tăng doanh thu bán vé, mua bán các mặt hàng khác… lợi nhuận ước tính sẽ là từ 10 triệu EUR trở lên.

Với những khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 mang lại, nhiều giải đấu đã phải cắt các mức tiền thưởng và chi phí cho các tay vợt đến hàng chục phần trăm vì không có tiền tài trợ - chỉ có tiền hỗ trợ từ ATP hay WTA; trong khi đó, BTC của giải đấu Roland Garros đã phải chi ra hàng trăm triệu EUR cho một dự án hiện đại hóa, khoản tiền 10 triệu EUR này là rất cần thiết khiến cho Liên đoàn Quần vợt Pháp lại phải đưa ra “quyết định đơn phương và ích kỷ” của mình. 

Có thể, nhiều tay vợt và nhiều BTC các giải đấu khác không hài lòng, nhưng không thể phán xét BTC Roland Garros nếu không đứng ở trong vị trí của họ.

Tin cùng chuyên mục