Lần cuối cùng Federer xuất hiện ở Roland Garros, tại sân đấu Trung tâm Philippe Chatrier, đó là khi anh để thua tay vợt đồng hương Stan Warinka với điểm số 4-6, 3-6 và 6-7 (4-7) ở vòng đấu tứ kết của giải đấu hồi năm 2015. Sau khi đánh bại Federer, Wawrinka đã loại tiếp Jo-Wilfred Tsonga, sau đó giành chiến thắng trước Novak Djokovic trong trận đấu chung kết. Federer và Wawrinka, cùng với Djokovic (năm 2016) là 3 người hiếm hoi “dám” đăng quang ở French Open trong kỷ nguyên Nadal thống trị hầu như tuyệt đối trên mặt sân đất nện.
Sau thất bại ở tứ kết Roland Garros 2015, Federer không tham gia thêm một kỳ giải Grand Slam trên mặt sân đất nện nào khác, anh cũng vắng bóng ở 2 mùa giải sân đất nện gần đây. Nhưng giờ đây, anh đã quay trở lại, và khi anh đã bắt đầu thích nghi với mặt sân bụi đỏ tại Caja Magica, và gần đây là ở Foro Italico, không có lý do gì anh không tìm về với Roland Garros.
Khi mà Federer rảo bước những bước chân đầu tiên sau 4 năm, trên mặt sân đỏ quạch đầy bụi bặm ở Phippe Chatrier, hình ảnh đó đã được BTC ghi lại một cách trân trọng và xúc động. Tài khoản Twitter của BTC French Open viết một câu đầy ý nghĩa: “Cứ như là anh chưa hề rời đi”, khi miêu tả Federer tập buổi tập đầu tiên trên sân Philippe Chatrier của Federer…
Anh vốn chưa từng rời đi. Tên tuổi anh vẫn được lưu giữ trong bảo tàng của French Open như là nhà vô địch giải đấu hồi năm 2009. Đúng 10 năm trước, Federer đã đánh bại “Gã cướp biển Viking” – Robin Soderling (kẻ đã bất ngờ loại Nadal từ vòng 4) trong trận đấu chung kết thế 1 chiều, và đăng quang ngôi vô địch đầy xứng đáng. Nếu không có kết quả đó, Federer khó được công nhận là “GOAT” (“Greatest of All Times” – vĩ đại nhất mọi thời đại”), vì không sở hữu “trọn gói” cả 4 kiểu danh hiệu Grand Slam. Đó là bước ngoặt, bước đột phá trong sự nghiệp Federer.
Buổi tập đầu tiên của Federer ở Philippe Chatrier đã diễn ra trong 75 phút. Sau khi tiến vào sân đấu, chào hỏi Kei Nishikori (tay vợt người Nhật Bản có lịch tập trước đó), anh nhanh chóng có vài thảo luận với 2 HLV của mình là Severin Luthi và Ivan Ljubicic, trước khi làm nóng và đánh tập với Diego Schwartzman – người đã “gây khó dễ rất nhiều” cho Djokovic ở trận bán kết giải Rome Masters, là nguồn cơn khiến Djokovic mất sức và thua Nadal ở trận chung kết sau đó. Và Federer đã thắng Schwartzman với điểm số 6-3.
Ngày mai, anh sẽ biết tên mình nằm trong nhánh thăm nào, thuộc phía Nadal hay phía Djokovic. Nhưng nhánh nào cũng được, Federer không phải ứng viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch, và anh cũng khó đăng quang trên mặt sân đất nện tại Paris ở độ tuổi này, với nền tảng thể lực như thế này. Nhiệm vụ của Federer, vẫn là truyền cảm hứng cho mọi người, mang lại sự phấn khích cho khán giả, và gợi nhớ với Roland Garros, rằng một người cũng rất quen thuộc giải đấu này (từng có 4 lần khác lọt đến chung kết), đã quay trở về…