Tính từ năm 2003 cho đến nay, khi mà huyền thoại sống người Thụy Sỹ giành được ngôi vô địch Grand Slam đầu tiên ở Wimbledon, “Bộ 3 Titan” Federer - Nadal - Djokovic hiện đang là chủ sở hữu của “tập hợp” 56 danh hiệu Grand Slam/69 giải đấu. Trong đó, Federer giữ 20 danh hiệu, Nadal giữ 19 danh hiệu, còn Djokovic cũng đang chiếm quyền kiểm soát 17 danh hiệu khác nữa. Cùng với nhau, bộ 3 thiên tài này đang kiểm soát 81% tỷ lệ thắng danh hiệu Grand Slam, tính từ giữa năm 2003 cho đến nay.
Trong suốt giai đoạn đầy oai hùng này, họ chỉ “đánh mất” một số danh hiệu vào tay của Andy Roddick (US Open 2003), Gaston Gaudio (tại Roland Garros 2004), Marat Safin (Australian Open 2005), Juan Martin del Potro (US Open 2009), Andy Murray (US Open 2012, Wimbledon 2013 và Wimbledon 2016), Stan Wawrinka (Australian Open 2014, Roland Garros 2015, US Open 2016), rồi Marin Cilic (US Open 2014). Nếu như Roddick, Safin hay Gaudio đều đã giải nghệ, những tay vợt còn lại như Del Potro, Murray, Cilic, Wawrinka đều đã đi qua thời đỉnh cao, khó lòng thắng thêm bất cứ danh hiệu Grand Slam nào. Nhưng cũng vì như vậy, người ta càng thêm hoài nghi lứa “Next Gen” được khắp nơi ca tụng.
Dù đã được dự báo từ 5, 6 năm về trước, rằng lứa thế hệ trẻ sẽ sớm giành Grand Slam và thay thế “Bộ 3 Titan”, nhưng hết đợt “Next Gen này” (với Milos Raonic, Grigor Dimitrov) đến đợt “Next Gen kia” (đợt “Next Gen mới nhất” của những Sascha, Tsitsipas, Thiem, Medvedev) đều không tạo ra chiến tích thật sự, thậm chí còn gây thất vọng. Thiem 3 lần thua ở 3 trận chung kết Grand Slam, Medvedev thất thủ trước Nadal ở chung kết US Open 2019. Zverev, hay thậm chí là Tsitsipas cũng chỉ mới lọt đến bán kết đấu trường Grand Slam…
Nếu so sánh họ với những tay vợt còn “không chung mâm” với “Bộ 3 Titan”, như Del Potro, rồi Murray, Wawrinka, Cilic đã được miêu tả ở trên, “Next Gen” thậm chí còn thua sút. Vậy thì, lối ra nào cho họ, dù nhiều người đã dùng quan điểm “phải sống dưới thời của Bộ 3 Titan là quá áp lực đối với các tay vợt trẻ này”, để biện minh cho sự non kém thành tích và kinh nghiệm ở đấu trường Grand Slam. Murray, Wawrinka cũng sống chung thời với Federer - Nadal - Djokovic, họ cũng chịu áp lực chứ?
Tuy nhiên, nếu có bất kỳ ai đó hoài nghi về lứa “Next Gen này”, người đó không phải là Nadal. Tay vợt cựu số 1 thế giới người Tây Ban Nha vừa gửi thông điệp để động viên lứa trẻ trên ESPN: “Đang có rất nhiều tay vợt trẻ chiến đấu cao độ và giành lấy những thứ quan trọng. Họ chưa thể làm được điều này ở đấu trường Grand Slam, cũng bởi vì chúng tôi chưa chịu dời đi. Vì thế, giờ đây sẽ có một cuộc chiến rất hay ho giữa Những tay súng trẻ và Những chiến binh già mà tôi hy vọng sẽ kéo dài càng lâu càng tốt”.
Một người khác cũng không hề hoài nghi về lứa “Next Gen” chính là huyền thoại Becker, “cựu sư phụ” của Djokovic. Trước đó, Becker cũng đã đưa ra đánh giá: “Có lẽ, trong mùa giải năm 2021, chúng ta sẽ được chứng kiến sự quật khởi của Những tay súng trẻ, bởi vì họ sẽ có thêm 1 năm kinh nghiệm, còn các tay vợt lớn tuổi sẽ già thêm 1 tuổi. Tay vợt hay nhất trong lứa trẻ khoảng 2 năm trở lại đây chính là Dominic Thiem. Cậu ấy đã lọt đến 3 trận chung kết Grand Slam và đã chơi cực kỳ đẹp mắt khi đấu với Djokovic, chỉ chịu để thua sau 5 ván đấu ở Melbourne. Tôi cũng thích Stefanos Tsitsipas rất nhiều, cái cách mà cậu ấy thể hiện bản thân ở cả trong lẫn ngoài sân đấu, cái cách mà cậu ấy thi đấu”.
“Từ quan điểm của một người Đức, tôi cũng thích Sascha Zverev rất nhiều. Các bạn đã biết, cậu ấy lọt đến bán kết Melbourne hồi đầu năm nay và cậu ấy mới chỉ có 22 tuổi. Vì thế, cậu ấy có một sự nghiệp dài lâu ở phía trước. Còn những tay vợt khác cũng rất hấp dẫn. Tôi rất thích thấy việt Tốp 3 vẫn ở đinh cao phong độ nhưng lại vẫn bị đánh bại. Tôi không muốn “Next Gen” tiếp quản giang sơn khi Bộ 3 Titan không còn ra sân nhiều và thật sự quá già. Tôi muốn thấy trận chung kết Grand Slam giữa 1 tay vợt 22 tuổi và 1 tay vợt 33 tuổi. Đó là điều tuyệt vời nhất của quần vợt. Vì thế, các chàng trai, tiến lên giành lấy cúp vàng đi”, Becker nói thêm.