Chiều 23-7, Ban tổ chức Olympic đã gửi “công văn hỏa tốc” đến cho Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) với đề nghị tổ chức này dời lại trận đấu mở màn của môn quần vợt, giữa Osaka với Saisai, sang ngày hôm sau, chủ nhật 25-7. Thay vào đó, trận mở màn môn quần vợt của Olympic Tokyo 2020 được đôn lên thay thế, sẽ diễn ra vào sáng thứ bảy 24-7, là trận đấu giữa Iga Swiatek (Ba Lan) và Mona Barthel (Đức).
Sở dĩ Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 phải làm điều này, vì họ muốn Osaka - “Biểu tượng mới của thể thao Nhật Bản”, xuất hiện trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội 2020, trong một thay đổi kịch bản vào giờ chót. Osaka, sau đó đã xuất hiện ở khâu cuối cùng của buổi lễ khai mạc, cô là VĐV chủ nhà sau chót nâng cao ngọn đuốc Olympic và châm vào đài đuốc khổng lồ, nơi mà ngọn lửa “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - Cùng nhau” sẽ cháy sáng rực rỡ trong suốt 16 ngày đêm tại SVĐ quốc gia Nhật Bản. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong những ngày này, thậm chí cả về sau, Osaka vẫn là đại diện tiêu biểu cho khát vọng của Nhật Bản…
“Khát vọng đó”, đã gây ra chấn động toàn cầu, khi rút lui khỏi Roland Garros vì “không muốn trả lời họp báo”, để rồi sau đó, người ta mới biết cô bị bệnh trầm cảm suốt bấy lâu nay, những vẫn “gồng mình để đấu tranh” trên sân đấu. “Khát vọng đó”, đã trở thành chủ đề của trang bìa rất nhiều đầu báo, tạp chí thể thao - thời trang trong thời gian gần đây, như Sports Illustrated, Vogue… thậm chí còn xuất hiện trong 3 tập phim tài liệu vừa được trình chiếu trên dịch vụ xem phim trực tuyến nổi tiếng của Mỹ - Trang Netflix.
Và “Khát vọng đó”, đã được “Nhà vua ATP” Novak Djokovic miêu tả: “Cô ấy là một nhà vô địch tuyệt vời. Cô ấy đang phải gánh lấy gánh nặng trách nhiệm, vì cô ấy là VĐV Olympic tiêu biểu của Nhật Bản, mà Thế vận hội lại đang diễn ra ở đây. Cô ấy lại còn là nhà vô địch Grand Slam, là người mà rất, rất nhiều người dân Nhật Bản mong chờ và kỳ vọng. Thi đấu trên sân nhà, nhưng không có khán giả nhà ủng hộ, đó là một thách thức với Osaka. Cô ấy muốn có sự ủng hộ từ CĐV nhà. Nhưng điều đó không cản được cô ấy”.
Hôm nay, Osaka sẽ bắt đầu chuyến hành trình Olympic đầu tiên của mình. Quần vợt Nhật Bản bắt đầu niềm hy vọng vàng ở đấu trường Thế vận hội, nhờ vào cô. Còn thể thao - đất nước Nhật Bản, cùng cháy lửa khát vọng, ngọn lửa đã được chính cô châm lên trên đài đuốc khổng lồ, chờ đợi vào điều kỳ diệu nhất. Điều kỳ diệu nhất có thể là chiến thắng, có thể là tấm HCV, cũng có thể, đơn giản chỉ là tấm gương của VĐV từ vô danh trở thành nổi tiếng với cá tính “Không chịu đầu hàng” - đặc trưng của người Nhật Bản.