Tranh cãi về chuyện nên hay không nên cho phép cầu thủ Việt kiều trở về khoác áo đội tuyển quốc gia và U.23 Việt Nam đã hâm nóng các cộng đồng mạng và với cả giới làm nghề thời gian gần đây. Nhưng riêng phần mình, HLV Park Hang-seo vẫn kiệm lời và không để lộ quan điểm, dù giới truyền thông luôn tìm cách tiếp cận.
Chốt lại, ông Park chọn quân cho đội tuyển dự King’s Cup 2019 với chỉ 1 cầu thủ Việt kiều duy nhất là thủ thành Đặng Văn Lâm, người có thâm niên chơi bóng ở Việt Nam, đồng thời đóng góp rất lớn trong chuỗi chiến thắng ở AFF Cup 2018 cho bóng đá Việt. Ở đội tuyển U.23, tiền vệ Martin Lo cũng là cái tên duy nhất được gọi, chủ yếu vì anh đang chơi nổi bật trong màu áo CLB Phố Hiến ở giải hạng Nhất.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc không bận tâm đến những tranh cãi của dư luận về danh sách triệu tập cầu thủ của ông, bởi vì không ai khác ngoài ông đang phải chịu trách nhiệm lớn nhất về hành trình tìm kiếm vinh quang cho bóng đá Việt. Ông Park thà dồn hết tâm sức để xoay xở với cùng lúc 2 đội tuyển, chấp nhận trở thành “kiến trúc sư trưởng” bận rộn nhằm tái cấu trúc cho cả một nền bóng đá còn hơn là lắng nghe những lời vô bổ. Đấy là bổn phận của một HLV chuyên nghiệp.
VFF và giới chức bóng đá Việt nói chung đang dành cho ông Park một sự tôn trọng tuyệt đối, trong cả cách ông chọn 2 đội hình trợ lý giúp mình quán xuyến 2 đội tuyển tập trung cùng lúc, lẫn cách “đãi cát tìm vàng” con người cho đội tuyển quốc gia và đội U.23. Vốn nói ít mà làm nhiều, HLV Park Hang-seo cứ dấn những bước mạnh mẽ về phía trước cùng các đội bóng ông được giao trách nhiệm, gần như không bị chi phối bởi bất cứ tác động nào từ dư luận hay truyền thông. Đơn giản, đấy là phẩm chất của một HLV chuyên nghiệp.
Kể từ lúc đến Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã thay đổi hoàn toàn diện mạo cho bóng đá nơi đây, khơi dậy niềm tự hào đã ngủ yên quá lâu, tái thiết một đức tin tưởng chừng chẳng thể khôi phục được nữa. Ông Park đưa bóng đá Việt giành lấy những cột mốc lịch sử, bằng triết lý thật giản đơn: “Chỉ cần bạn nỗ lực, cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở, thành công cũng sẽ tự tìm đến”. Cũng chính ông Park đã hét lớn: “Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu? Chúng ta không phải cúi đầu!” giữa tuyết trắng Thường Châu để vực dậy những cậu học trò đang nản chí. Bởi lẽ với ông, thua 1 trận đấu thì được nhưng không được rệu rã về tinh thần.
Chưa kể, cách dùng quân của ông khiến học trò xóa được khoảng cách giữa cầu thủ chính thức và dự bị cũng là một trong những điều đặc biệt. Bởi vậy, khi ông Park mạnh dạn nói: “Tôi có đến 23 cầu thủ luôn sẵn sàng ra sân”, thì người ta đủ hiểu đấy là sự thật.
Chưa đầy 2 năm, dưới bàn tay nhào nặn của ông Park, những cầu thủ trẻ như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Toàn… trưởng thành đến đáng ngạc nhiên. Đặc biệt hơn, ông thầy đến từ xứ sở kim chi đã làm tươi mới cho tất cả các đội bóng mà ông làm việc cùng, từ đội U.23, Olympic đến đội tuyển quốc gia, biến họ thành những tập thể đoàn kết và ứng xử với nhau như người thân trong gia đình.